Các nền bóng đá lớn thay HLV như thế nào ?

Kỳ 2: Đôi khi người ta muốn... bị sa thải !

Chia tay đội bóng mình đang dẫn dắt, dĩ nhiên là chuyện buồn. Nhưng không phải bao giờ bị sa thải cũng là kết cục tồi tệ nhất đối với nghiệp HLV. Marcello Lippi hiểu rõ kinh nghiệm này hơn ai hết.

Chia tay đội bóng mình đang dẫn dắt, dĩ nhiên là chuyện buồn. Nhưng không phải bao giờ bị sa thải cũng là kết cục tồi tệ nhất đối với nghiệp HLV. Marcello Lippi hiểu rõ kinh nghiệm này hơn ai hết.
 
Vừa đến Juventus năm 1994, Lippi đã đưa "bà đầm già" trở lại ngôi vô địch Serie A sau một thập kỷ chờ đợi. Chỉ trong 5 năm, Lippi đem về cho Juventus 3 chức VĐQG, 1 chức vô địch Champions League, 1 Cúp quốc gia, 2 Siêu Cúp Ý, 1 Siêu Cúp châu Âu và 1 Cúp Liên lục địa, chưa kể rất nhiều lần khác lọt vào chung kết Champions League, Cúp UEFA hoặc Cúp quốc gia. Lippi đáng được phong thánh? Nhiều người nghĩ vậy, trong đó có bản thân ông. Vì nghĩ mình đã đạt đến tư thế bất khả xâm phạm nên Lippi lập tức đưa đơn từ chức khi công việc ở Juventus có vẻ trục trặc. Lippi nghĩ rằng đội bóng sẽ nhượng bộ. Bất ngờ thay, Juventus nói lời cám ơn và nhanh chóng loan tin Lippi từ chức. 

Kỳ 2: Đôi khi người ta muốn... bị sa thải ! ảnh 1
Marcello Lippi (trái) trò chuyện cùng HLV Ferguson (Man. United) khi còn dẫn dắt Juventus.

Nếu để Juventus sa thải, ít ra Lippi cũng có thêm 1 triệu USD tiền bồi thường hợp đồng. Từ đó, Lippi xóa hẳn khái niệm từ chức trong tự điển của ông. Ở Inter Milan, Lippi cảm thấy không ổn ngay sau vòng đấu đầu tiên của mùa bóng 2000-2001. Ông muốn ra đi nhưng không muốn mất tiền. Thế là Lippi có câu bất hủ sau một trận đấu gây thất vọng: "Nếu là chủ tịch CLB, tôi sẽ bắt toàn đội quay mặt vào tường, đá đít họ và sa thải HLV". Massimo Moratti làm sao chịu nổi câu ấy? Inter đành sa thải Lippi. "Gài" được Inter sa thải mình, Lippi trở về Juventus với số tiền bồi thường và lại giúp "bà đầm già" 2 lần vô địch, 1 lần đoạt Cúp, 2 lần đoạt siêu Cúp quốc gia và 1 lần lọt vào chung kết Champions League!
 
Ở giải vô địch Brazil, mỗi năm có hơn 30 HLV bị sa thải, tức bình quân 1 người ra đi sau mỗi vòng đấu và mỗi đội sa thải HLV nhiều hơn 1 lần chỉ trong 1 mùa. Các HLV từng dẫn dắt đội tuyển Brazil như: Emerson Leao, Vanderlei Luxemburgo, Felipe Scolari đều đã quen với khái niệm bị sa thải ở CLB. Giống các đồng nghiệp ở Ý, các HLV Brazil chịu ảnh hưởng bởi trường phái bóng đá Latin, nơi người ta không xem việc bị sa thải là chi tiết nói lên năng lực của nhà cầm quân. Đôi khi việc sa thải HLV chỉ xuất phát từ một nhu cầu đổi mới thuần túy và trong hoàn cảnh ấy, đội bóng phải chấp nhận khoản đền bù.
 
Người Anh thì khác. HLV mà phải chia tay đội bóng thì đấy luôn là sự kiện đau buồn về mặt nghề nghiệp trong quan điểm của bóng đá Anh. Và do sự việc quá được xem trọng nên vấn đề tiền bạc trở thành thứ yếu. Năm 1999, Glenn Hoddle bị sa thải khỏi cương vị HLV trưởng đội tuyển Anh do một phát biểu sai lầm, mang tính xúc phạm người tàn tật. Có thể Hoddle khi ấy chỉ lỡ lời. Ông nói rằng người ta phải chịu luật nhân quả, có thể bị tàn tật ở kiếp này vì kiếp trước đã lỡ ở ác! Thế là xã hội lên án Hoddle với 90% những người tham gia cuộc trưng cầu ý kiến của BBC cho rằng không nên tiếp tục để Hoddle dẫn dắt ĐTQG. Không còn lựa chọn nào khác, FA phải sa thải Hoddle. Chuyện này không nói lên nhiều điều về năng lực chuyên môn của Hoddle. Tuy nhiên, Hoddle đã nêu cao tinh thần bóng đá Anh khi ông từ chối tiền bồi thường hợp đồng của FA. Kevin Keegan lên thay Hoddle, nhưng không thành công lắm. Cũng không màng đến vấn đề tiền bạc, Keegan tự động rút lui sau trận thua Đức ngay tại sân nhà ở vòng loại World Cup 2002.
 
Khi bóng đá Anh sa thải HLV mà quên tính rằng HLV ấy không phải người Anh thì phải hết sức thận trọng. Từ Euro 2004 đến World Cup 2006, Sven Goran Eriksson liên tục làm cho giới hâm mộ Anh thất vọng. Nhưng Eriksson vẫn cứ yên tâm ngồi ghế HLV trưởng vì nếu FA sa thải ông, chi phí bồi hoàn sẽ rất cao. Thậm chí, sau khi đã bị sa thải, Eriksson vẫn đàng hoàng lãnh tiền "trợ cấp thất nghiệp" cho đến khi ông ký được hợp đồng với đội bóng mới! Tất nhiên, Eriksson là người Thụy Điển. Nhưng ông thành danh trong các nền bóng đá BĐN, Ý và thấm đẫm triết lý Latin của các nền bóng đá này. Sự kiện chia tay HLV ầm ĩ nhất trong làng bóng Anh gần đây là vụ Jose Mourinho ở Chelsea. Không bao giờ có chuyện Mourinho từ chức, và đấy là điều HLV người BĐN đã nói huỵch toẹt với ông chủ Roman Abramovich từ mùa trước.
 
Như chúng tôi đã đề cập trong số trước, các HLV Latin thường không sợ thất nghiệp sau khi chia tay đội bóng, còn sự nghiệp của HLV Anh thường chỉ đi xuống sau khi từ chức hoặc bị sa thải. Hoddle huấn luyện Southampton sau khi dẫn dắt đội Anh, rồi đến Tottenham, West Bromwich và nay đã… biến mất. Keegan cũng vậy: sau đội tuyển Anh là Manchester City, rồi cũng mất dạng suốt 2 năm nay. Ngược lại, Rafael Benitez không hề đi xuống sau mỗi lần sa thải. Mất việc ở Valladolid, Benitez chuyển sang Osasuna. Sau khi bị Osasuna sa thải, ông đến Extremadura. Rồi sau khi chia tay Extremadura trong kết cục đội bóng rớt hạng, Benitez nhảy luôn vào đội bóng lớn Valencia, từ đó thành công và chuyển thẳng đến Liverpool danh tiếng! Nếu không bị sa thải ở các đội bóng nhỏ như Valladolid hoặc Osasuna, chưa chắc Benitez đã có sự nghiệp huy hoàng như ngày hôm nay! 

TRI KỶ

Thông tin liên quan

 - Kỳ 1: Bất tài hay không gặp thời?

Tin cùng chuyên mục