Premier League và El Clasico

Nhắc đến Premier League và lại nhắc đến El Clasico lúc này, bạn đừng vội nghĩ rằng đang có sự đánh đồng trận derby nước Anh giữa Man.United và Liverpool với khái niệm El Clasico, vốn dĩ rất “thiêng liêng” đối với các tín đồ túc cầu giáo.

Liverpool gặp Man.United, tất nhiên vẫn là trận đấu lớn nhất của nước Anh, kể cả khi 2 đội bóng ấy không phải là mạnh nhất. Đơn giản, bóng đá không chỉ là mạnh-yếu, bởi lúc nào chẳng có cảnh khi thịnh, khi suy, mà còn là cả lịch sử, là văn hóa và là những câu chuyện duyên nợ giữa những đối thủ. Nhưng nói gì thì nói, Man.United gặp Liverpool cũng không thể là El Clasico, ít nhất là ở thời điểm này.

Vậy thì tại sao lại có sự liên kết giữa khái niệm Premier League với El Clasico ở đây, đúng thời điểm Man.United chuẩn bị gặp Liverpool?

Dễ hiểu, một mẩu tin nhỏ mới được đăng tải trên báo chí Anh ngày hôm qua cho biết, trận El Clasico của Primera Liga sẽ không được truyền hình trực tiếp ở lãnh thổ Anh, vì giờ thi đấu của nó không đúng với quy định. Thay vào đó, nó sẽ được phát lại, dự kiến là sau khi trận cầu kết thúc khoảng 15 phút.

Nguyên nhân ư? LĐBĐ Anh vẫn có một quy định “cấm vận” đối với truyền hình trực tiếp các trận đấu vào khung giờ từ 14 giờ 45 cho tới 17 giờ 15 (giờ Anh) các ngày thứ Bảy. Mà El Clasico năm nay lại diễn ra vào 15 giờ 15 (giờ Anh) ngày 3-12.

Tại sao lại có một cấm vận khó hiểu đến thế tồn tại ở nền bóng đá mà công nghệ truyền hình được đẩy lên đến đẳng cấp số 1 thế giới hiện nay? Thực chất, chẳng có gì là khó hiểu cả. Người Anh là trùm về truyền hình trong bóng đá và họ ra quy định như thế cũng có nguyên do của nó, một nguyên do vì bóng đá, bảo vệ bóng đá.

Đây là quy định đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ nay. Theo đó, khung giờ vàng của bóng đá Anh chính là khung từ 14 giờ 45 cho tới 15 giờ 15 mỗi thứ Bảy hàng tuần. Đó là giờ mà đa số các CLB ở cả Premier League cho tới các hạng đấu thấp hơn rất nhiều ra sân. Bởi vậy, FA tính toán và đã kiểm chứng nhiều lần, rằng nếu có một trận cầu đẳng cấp cao được truyền hình trực tiếp trên lãnh thổ Vương quốc Anh ở khung giờ đó, nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới doanh thu bán vé vào sân của nhiều CLB. Mà các CLB nhỏ, ở các hạng đấu thấp, vốn dĩ không có cơ hội kiếm tiền từ bản quyền truyền hình, sẽ trông đợi rất nhiều vào doanh thu từ những ngày thi đấu. Đó là doanh thu từ bán vé, từ các dịch vụ, từ các hoạt động thương mại diễn ra quanh sân vận động. Để đảm bảo lượng CĐV đến sân ở khung giờ vàng kia, không trận cầu nào được truyền hình trực tiếp suốt quãng thời gian đó, trừ một ngoại lệ đặc biệt: chung kết FA Cup. Mà chung kết FA Cup thì thường diễn ra vào khoảng thời gian mùa giải đã về cuối và tất nhiên nó sẽ không làm ảnh hưởng tới doanh thu của các CLB nhỏ. Bởi vậy, nó mới được xem là ngoại lệ.

Cái cách bảo trợ giàu tính khoa học ấy của FA cho chúng ta nhận ra lý do vì sao bóng đá Anh lại phát triển bền vững đến vậy. Nuôi dưỡng khả năng tự sinh tồn cho những CLB nhỏ, FA đảm bảo đời sống bóng đá ở Anh luôn diễn ra sinh động, đa dạng, với cơ hội rộng mở cho bất kỳ ai. Hãy thử tưởng tượng một CLB hạng 3 chẳng hạn, sau quá trình dài tích lũy, phấn đấu, một ngày đẹp trời họ được lên Premier League. Nếu duy trì tốt, có sách lược đúng đắn, họ sẽ chính thức “thoát nghèo” và chuyện đổi đời như cổ tích là hoàn toàn có thể diễn ra.

Thế nên, chúng ta, những khán giả châu Á, lại chính là những người may mắn nhất. Ở vào khung giờ vàng kia, thứ Bảy này, trong khi chúng ta có thể xem Arsenal gặp Swansea hoặc Man City gặp Everton trực tiếp trên truyền hình thì ở Anh, khán giả của họ buộc phải đợi để xem phát lại. Trong thời gian chờ đợi họ có thể làm gì ư? Đơn giản, ra sân xem đội bóng làng của mình thi đấu và cổ vũ họ. Biết đâu, một ngày nào, đội bóng ấy sẽ bị “cấm truyền hình trực tiếp” đúng khung giờ vàng?

HÀ QUANG MINH

Tin cùng chuyên mục