Quá nhẹ tay

Vụ Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành xả thải ra sông Đồng Nai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) thời gian qua đã gây bức xúc cho dư luận. Người dân càng bức xúc hơn khi mức xử phạt mà Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) áp dụng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của Sonadezi Long Thành chỉ với số tiền là 405 triệu đồng.

Mức xử phạt này, theo người dân là quá nhẹ, không mang tính răn đe và xét về mặt kinh tế chẳng thấm thía gì so với số tiền khổng lồ mà nhiều năm qua doanh nghiệp (DN) này kiếm được từ những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Theo kết luận của C49B, mỗi ngày, Sonadezi Long Thành xả ra từ 5.000 đến dưới 10.000m³ nước thải thu gom từ các DN trong KCN Long Thành. Nếu lấy mức bình quân 8.000m³ nước thải xả ra mỗi ngày nhân với đơn giá 0,32USD/m³ mà Sonadezi thu của các DN, thì số “tiền tươi” thu về được sẽ là 2.516USD, tương đương với hơn 50 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần xả thải ra môi trường 8 ngày là Sonadezi Long Thành đã đủ tiền nộp phạt.

Rõ ràng, đây là một khoản lợi quá lớn và những người có trách nhiệm tại DN này sẵn sàng vi phạm, bất chấp những mối nguy hại cho cộng đồng. Điều này đã xảy ra nhiều lần trong nhiều năm qua đối với Sonadezi Long Thành - khi cơ quan chức năng xử phạt hôm trước thì ngay hôm sau, họ lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn, có tổ chức hơn.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 117/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người đứng đầu của DN, tổ chức gây ra ô nhiễm môi trường phải bị xem xét trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đúng mức. Thế nhưng, trong trường hợp của Sonadezi Long Thành, người đứng đầu DN này và cả người lãnh đạo cao nhất tại Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi (công ty mẹ của Sonadezi Long Thành) là bà Đỗ Thị Thu Hằng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc đều vô sự.

Sai phạm đã rõ và hậu quả mà Sonadezi Long Thành để lại cũng đã rõ. Câu hỏi được đặt ra là: Ai phải chịu trách nhiệm, cá nhân nào phải bị xử lý về mặt hành chính đối với những việc làm nói trên?

Từ vụ Sonadezi Long Thành và một loạt DN khác tại TPHCM mà C49B vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn với các hành vi xâm hại đến môi trường và coi đó là hành động tội ác cần phải nghiêm trị.

Về kinh tế, phải phạt thật nặng (luật hiện quy định mức phạt tối đa là 500 triệu đồng), tước giấy phép xả thải vào môi trường và các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề có nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Đồng thời, cách chức và cấm có thời hạn người đứng đầu DN vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đảm nhận các chức vụ.

Trong các trường hợp nghiêm trọng cần phải khởi tố hình sự để răn đe, cảnh tỉnh những người vì lợi ích cục bộ mà nhắm mắt làm ngơ, cố tình vi phạm.


HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục