Trước tình hình một số ngân hàng tự động thu phí giao dịch nội mạng, tăng phí giao dịch ngoại mạng ATM, cuối tháng 6-2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có ý kiến về việc này và cho biết chưa thu phí nội mạng và tăng phí ngoại mạng trong năm 2012; đồng thời yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện nghiêm. Người sử dụng thẻ ATM cho rằng, dù không tính phí nội mạng, khách hàng cũng đã phải trả quá nhiều các phí liên quan đến ATM.
- Dịch vụ kém nhưng đủ loại phí
Anh Võ Huy (quận 1) cho biết, trước đây anh có đến 6 thẻ ATM của 6 ngân hàng nhưng gần đây, anh chỉ còn sử dụng thẻ ATM của 2 ngân hàng anh tin tưởng. “Tôi sử dụng nhiều thẻ vì khi chuyển khoản nội mạng không phải tốn phí. Thế nhưng, hiện nay hầu như dịch vụ gì cũng mất phí nên sử dụng ít thẻ sẽ đỡ tốn phí hơn. Số tiền mỗi dịch vụ chỉ vài ngàn đồng nhưng nếu cộng lại cũng khá nhiều”, anh Huy nói.
Thử liệt kê các loại phí mà ngân hàng thu từ người sử dụng thẻ ATM mới thấy đủ các loại phí. Cụ thể, phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000 - 100.000 đồng, phí phát hành lại thẻ bị mất từ 25.000 - 60.000 đồng, phí cung cấp lại mã PIN từ 10.000 - 50.000 đồng, phí đổi mã PIN trên ATM 1.650 đồng/lần, phí quản lý tài khoản thẻ hay còn gọi là phí thường niên từ 50.000 - 300.000 đồng/năm, phí chuyển khoản ngoại mạng từ 1.650 đồng đến 0,05% số tiền được chuyển, phí rút tiền ngoại mạng từ 3.300 - 9.000 đồng/lần giao dịch, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550 - 1.650 đồng/lần, phí trả lại thẻ bị nuốt tại máy ATM từ 5.000 - 20.000 đồng/thẻ, phí cung cấp bản sao hóa đơn tại đơn vị chấp nhận thẻ của ngân hàng khác từ 20.000 - 50.000 đồng/giao dịch, phí phát hành thay thế thẻ hết hạn từ 50.000 - 100.000 đồng, phí dịch vụ phát hành thẻ nhanh theo yêu cầu 200.000 đồng, phí báo tin nhắn số dư tài khoản 5.000 - 10.000 đồng/tháng, phí sử dụng dịch vụ e-banking từ 10.000 - 20.000 đồng/tháng…
Theo anh Huy, nguyên tắc dùng dịch vụ phải trả phí. Nhưng hiện nay, ngân hàng lại thu quá nhiều các loại phí, trong khi không tăng các dịch vụ tiện ích để phục vụ khách hàng tốt hơn khiến khách hàng cảm thấy bị tận thu và thiệt thòi. “Mỗi tháng đều đặn tôi phải trả 20.000 đồng cho dịch vụ tin nhắn cập nhật biến động số dư tài khoản và các Internet-banking của Ngân hàng Đông Á nhưng tin nhắn lúc có lúc không. Do không nhận được thông tin từ ngân hàng, tôi ra máy ATM để in sao kê đơn giản và số dư tài khoản phải trả là 1.650 đồng/lần, nếu nhờ ngân hàng in sao kê phải trả 2.000 đồng/lần”, anh Huy cho biết.
Anh Nguyễn Trung Linh (quận Tân Bình) cũng bức xúc: Hệ thống ATM của Ngân hàng Agribank khu vực quận Tân Phú và Tân Bình hầu như luôn trong tình trạng hết tiền, đó là chưa kể máy ATM trục trặc 2 - 3 ngày sau ngân hàng mới khắc phục. “Mỗi lần rút tiền, tôi phải đi rất nhiều điểm ATM của Agribank mà cũng không rút được nên đành phải tốn phí để rút tại ATM của ngân hàng khác”, anh Linh phản ánh. Nhiều khách hàng sử dụng ATM của BIDV cũng cho biết, mặc dù chịu tốn phí rút tiền từ các máy ATM khác khi máy ATM gặp trục trặc hoặc không tiện đường nhưng đa số đều gặp chung sự cố đó là tài khoản bị trừ tiền nhưng không rút được tiền. Sau khi khiếu nại, chờ ngân hàng giải quyết để lấy lại tiền bị trừ nhầm, có trường hợp 8 - 9 tháng vẫn chưa được giải quyết.
- Thu vì chưa có quy định
Về yêu cầu của NHNN với các NHTM là không thu phí giao dịch ATM nội mạng và tăng phí giao dịch ATM ngoại mạng trong năm 2012, nhiều ngân hàng vẫn chưa thực hiện. Hiện Ngân hàng Vietcombank vẫn thu phí chuyển tiền nội mạng 3.300 đồng/lần giao dịch; Ngân hàng Techcombank thu phí giao dịch tại máy ATM khác gần 6.000 đồng/lần; các ngân hàng Đông Á, Agribank, BIDV… vẫn tiếp tục thu tiền in sao kê và số dư cùng hệ thống ngân hàng từ 1.000 – 1.200 đồng/lần.
Tuy nhiên, sau thông điệp trên, một số NHTM cũng đã bỏ thu phí giao dịch ATM ngoại mạng nhằm thu hút khách hàng. Cụ thể, người sử dụng ATM của Ngân hàng Đại Tín (TRUSTBank) được miễn phí rút tiền khi giao dịch tại máy ATM và các điểm chấp nhận thẻ của các ngân hàng khác trong năm 2012. Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đã áp dụng chính sách miễn phí rút tiền ATM ngoài hệ thống VIB trong 6 tháng đầu tiên kể từ ngày khách hàng mở thẻ, từ tháng thứ 7, nếu tài khoản thẻ của khách hàng có số dư tối thiểu 500.000 đồng so với tháng trước sẽ được tiếp tục miễn phí rút tiền ngoại mạng.
Về việc vẫn thu phí chuyển khoản nội mạng, ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng Quản lý thẻ Ngân hàng Vietcombank TPHCM cho biết, NHNN mới khuyến cáo chứ chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu ngân hàng phải thực hiện. Hơn nữa, về mặt pháp lý, các ngân hàng tự quy định các loại phí liên quan đến dịch vụ ngân hàng, miễn sao vẫn giữ chân được khách hàng của mình. “Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm quy định của NHNN khi nhận được công văn chính thức”, ông Hà cho biết.
Theo ông Lê Huỳnh Hà, để có thể vận hành và duy trì hệ thống ATM, ngân hàng phải bỏ ra chi phí lớn. Cụ thể, 1 máy ATM ngân hàng phải mua với giá khoảng 600 triệu đồng, chi phí thuê địa điểm đặt máy ATM khoảng 10 – 20 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể các chi phí vận hành cho ATM như tiền điện, máy điều hòa, bảo vệ, bảo mật, kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng… Do đó, mức phí mà ngân hàng thu chỉ bù đắp được một phần phí tổn để vận hành hệ thống ATM của ngân hàng mà thôi. “Việc thu phí khi sử dụng dịch vụ là điều mà các ngân hàng đều hướng tới, tuy nhiên mức phí phải tính toán sao cho phù hợp và phải có một lộ trình thích hợp theo chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ”, ông Lê Huỳnh Hà nói.
NHUNG NGUYỄN