Mới 8 giờ sáng thứ sáu 25-9, nơi gửi xe gắn máy của Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM đã không còn một chỗ trống.
Đến 10 giờ sáng cùng ngày, khu vực sảnh của Nhà Văn hóa Thanh niên cũng kẹt cứng người qua lại, bởi một chợ phiên với lủ khủ bàn ghế, sạp và người đứng lố nhố, che chắn luôn cả lối đi. Tiếng nhạc inh ỏi, người bán người mua rôm rả, mùi đồ ăn sực nức, trông giống một cái chợ đúng nghĩa hơn là một nhà văn hóa dành cho giới trẻ của một thành phố đô thị hiện đại. Khu vực buôn bán này kéo dài từ cổng cho đến hội trường, bao trùm cả khu vực thường xuyên được dùng làm nơi triển lãm hình ảnh.
Cùng lúc, trên sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên là ngày hội lớn của một nhãn hàng điện tử. Người tham gia ngày hội đông đảo bởi những phần quà khuyến mãi khá thu hút. Sự đông đảo tràn chiếm luôn khu vực phía sau sân khấu của hội trường chính Nhà Văn hóa Thanh niên, với sự có mặt của các đội hình nhân viên tham gia ngày hội được tập huấn chớp nhoáng tại chỗ. Trong khi đó, bên trong hội trường là một hội thi về cán bộ công chức tận tụy phục vụ dân, với sự tham gia của khá đông thí sinh, cổ động viên và vô số những cảnh trí, vật dụng phục vụ hội thi.
Nhiều năm qua, Nhà Văn hóa Thanh niên thật sự quá tải bởi có quá nhiều các hoạt động khác đồng thời diễn ra cùng lúc. Ngoài việc tổ chức các hoạt động thường niên, các ngày hội lớn của đoàn viên thanh niên thành phố cũng như việc sinh hoạt của các câu lạc bộ đội nhóm, các lớp kỹ năng…, Nhà Văn hóa Thanh niên còn tận dụng khá triệt để khuôn viên của mình cho các đơn vị thuê mặt bằng tổ chức sự kiện. Do ôm đồm quá nhiều chức năng nên thời gian qua, Nhà Văn hóa Thanh niên đã quá tải và chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí đúng nghĩa của giới trẻ TPHCM.
Cách đây hơn 10 năm, Thành đoàn TPHCM đã có ý tưởng xây dựng một Nhà Văn hóa Thanh niên hiện đại, cao mười mấy tầng, dự kiến mở rộng quy mô các khối chức năng hiện hữu như giáo dục, thông tin - triển lãm, đặc biệt tăng cường khối hoạt động nghệ thuật với các nhà hội thảo, phòng hòa nhạc, sân khấu nhỏ. Ngoài ra còn có những nội dung hoạt động như trung tâm thương mại, phòng chơi game, bowling, trung tâm Internet hơn 1.000 máy, phòng chiếu phim, thư viện hiện đại... phục vụ thanh niên. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, từ con số gần 4 triệu lượt đoàn viên thanh niên đến nhà văn hóa mỗi năm, nay con số đó đã lên hơn 5 triệu lượt nhưng cơ sở vật chất nơi đây hầu như không được cải tiến.
Mới đây, UBND TPHCM giao cơ quan chức năng bố trí 800 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng công trình Nhà Văn hóa Thanh niên. Khi nhà văn hóa mới còn trên giấy, chưa thành hình, giới trẻ TPHCM chỉ mong Nhà Văn hóa Thanh niên đang hiện hữu hãy trở về đúng với chức năng là điểm hẹn của giới trẻ thành phố, thay vì quá tải và lộn xộn như hiện nay.
ĐẶNG MINH