Với tấm lòng cao cả của người hiến tạng và sự tiến bộ của khoa học và y học, gần 20 năm qua, ở Việt Nam đã có hơn 400 bệnh nhân bị mắc các bệnh mãn tính như suy gan, suy thận, suy tim được cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ ghép tạng. Tuy nhiên…
Nhu cầu nhiều, người cho hiếm
Sau khi được ghép thận, sức khỏe, thể trạng và cân nặng cũng như chất lượng cuộc sống của chị N.T.C. ở Long An ngày càng tốt hơn. Chị C. tâm sự: “Tôi không còn phải chịu đựng những cơn đau, sự mệt mỏi hành hạ. Tôi có thể tự làm những công việc gia đình”.
Không chỉ bệnh nhân bị suy thận mãn mà những bệnh nhân bị suy gan hoặc suy tim mãn tính cũng đã được cứu sống nhờ được ghép gan, ghép tim từ người chết não hiến tặng. Đặc biệt là trường hợp của anh Bùi Văn Nam (48 tuổi, ở Nam Định) bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4 vừa được ghép tim từ người chết não hiến tặng, nay sức khỏe đã ổn định.
Đến tháng 11-2010, Việt Nam đã thực hiện được hơn 427 ca ghép tạng (410 ca ghép thận, 16 ca ghép gan, 1 ca ghép tim). Đáng chú ý, đã có 17 ca ghép tạng từ người chết não tặng (15 bệnh nhân được ghép thận, 1 ca ghép gan, 1 ca ghép tim). Thành công này không chỉ là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ thầy thuốc mà đó còn là tấm lòng cao quý của những người tự nguyện hiến tạng.
Một người chết não ngoài việc hiến thận, tim, gan còn có thể hiến tặng nhiều bộ phận cơ thể khác như giác mạc, tụy tạng, xương… Do đó, một người chết não khi hiến tặng đa tạng có thể giúp cho nhiều người khác được sống.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 4 người chết não hiến thận giúp cho 7 bệnh nhân khác được hồi sinh. Tương tự, tại BV Việt Đức chỉ trong 14 ngày (từ 8 đến 22-5), 3 bệnh nhân chết não đã hiến tạng để cứu sống 13 bệnh nhân, trong đó có 6 người suy thận, 2 người hở van tim, 1 người suy gan, 4 người đang sống trong bóng tối được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Ngày 17-6, cũng từ nguồn hiến tạng của một người chết não, Viện Quân y 103 đã ghép tim và thận của người này cho 3 bệnh nhân khác.
Tuy nhiên, việc hiến tặng tạng từ người chết não ở Việt Nam vẫn như muối bỏ biển. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có hàng ngàn bệnh nhân cần ghép giác mạc, khoảng 1.000 bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần ghép thận và nhiều bệnh nhân khác cần được ghép gan, tim….
Trong khi đó, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 10.000 ca chết não do tai nạn giao thông. Đây là nguồn cung ứng tạng để cứu chữa có những người bệnh bị suy tạng mãn tính. Theo GS Francis L. Delmonico, Chủ tịch Hội Ghép tạng thế giới, Việt Nam cần đẩy mạnh thông tin để xã hội hiểu, ủng hộ việc hiến tạng từ người đã chết não. Chẳng hạn ở nhiều nước trên thế giới, trên bằng lái xe đều có phần để trống tìm hiểu nguyện vọng hiến tạng. Nhiều quốc gia đã đưa cả vấn đề này vào giáo trình học. Tỷ lệ người chết hiến tặng tạng ở châu Âu là 79%, châu Mỹ 60%, châu Úc 44%, còn châu Phi và châu Á lại chưa tới 10%.
Ai chịu chi phí?
Ngoài vấn đề chuyên môn, các chuyên gia cũng cho rằng, ở nhiều nước, chi phí hiến nhận tạng đều được BHYT chi trả, còn ở Việt Nam, bệnh nhân được ghép tạng đang phải thanh toán chi phí ghép lẫn chi phí lấy tạng, bảo quản… Đây là gánh nặng cho người bệnh nhất là những bệnh nhân nghèo. Thường thì người bệnh nghèo đã không kham nổi chi phí ghép tạng mà còn phải gánh thêm chi phí lấy tạng. Được biết, với những trường hợp như ghép tim, gan, thận, chi phí để lấy thận, gan, tim từ người hiến và quá trình bảo quản, rửa tạng sẽ không nhỏ, có khi lên đến cả trăm triệu đồng.
Hiện tại nhiều nước trên thế giới, việc chi trả chi phí này đều do BHYT thanh toán. Bởi việc ghép tạng không chỉ kéo dài sự sống, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh mà chi phí ghép tạng và điều trị sau ghép cho bệnh nhân bị bệnh mãn tính luôn thấp hơn chi phí mà người bệnh điều trị bằng các phương pháp khác. Mặt khác, nó còn góp phần giảm đi gánh nặng cho xã hội.
Một chuyên gia về ghép tạng người Nhật Bản, GS-TS Tanabe Kazunari cho biết, Nhật Bản đã bỏ lệnh cấm trẻ chết não dưới 15 tuổi hiến tạng. Điều này đã mở ra thêm cơ hội mới cho các bệnh nhi. Đồng quan điểm này, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay, có rất nhiều bệnh nhi cần được ghép thận, gan… tuy nhiên nguồn tạng cho để ghép cho các cháu lại rất hiếm. Theo luật, nếu người hiến phải trên 18 tuổi, nhiều bệnh nhi cần ghép tạng sẽ phải nhận tạng từ người cho là người lớn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho y bác sĩ phẫu thuật mà còn ảnh hưởng không nhỏ với các bệnh nhi vì được ghép tạng của trẻ chết não cho bệnh nhi sẽ tốt hơn là của người lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: “Từ những thành công về ghép tạng trên người lấy từ nguồn hiến chết não cho thấy, y học Việt Nam có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó về ghép tạng. Trong thời gian tới, bộ sẽ ban hành các thông tư và nghị định liên quan đến ghép mô, tạng và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Việt Nam cũng sẽ thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng để đảm bảo việc hiến tặng và ghép tạng được quản lý và phân phối theo đúng luật và tinh thần nhân đạo, ngăn chặn những hành vi trái đạo đức…”.
Tiến Đạt