Quận 5: Nhiều mặt bằng “trùm mền” trong khi doanh nghiệp không có đất mở rộng sản xuất kinh doanh

Quận 5 xác định những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là về vốn và mặt bằng. Trong đó, do khó khăn về mặt bằng, các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất đang dịch chuyển dần sang khu vực ngoại thành.
Ngày 2-11, đoàn giám sát của HĐND TPHCM giám sát tại UBND quận 5 về việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu làm trưởng đoàn giám sát.
Đại biểu Đỗ Thị Minh Quân, thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi với UBND quận 5. Ảnh: MAI HOA
UBND quận 5 đề xuất cần có sự phân cấp, phân quyền và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương. Đồng thời tăng quyền tự chủ cho địa phương để thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời Tập trung cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh, theo hướng giảm số lượng, thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện…

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính, phòng chống dịch, vì sao các doanh nghiệp chuyển đi nhiều hơn chuyển đến… Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu nhìn nhận, quận 5 với đặc điểm tự nhiên là diện tích nhỏ, cơ cấu kinh tế chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, dù khó có sự đột biến nhưng kinh tế phát triển ổn định, sớm vào “câu lạc bộ ngàn tỷ” của Thành phố.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu đề nghị, để hỗ trợ cho doanh nghiệp sau đại dịch, quận cần phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp bằng những hoạt động tự nhiên, tránh hành chính hóa, “xuân thu nhị kỳ”, từ đó lắng nghe và giải quyết hiệu quả các ý kiến của doanh nghiệp.

Đến hết tháng 10, quận 5 đã thu ngân sách 1.850 tỷ đồng, đạt hơn 95% dự toán pháp lệnh năm. Là quận có diện tích đất cho sản xuất kinh doanh nhỏ nhất TPHCM, quận 5 gần như không có nguồn thu từ tiền sử dụng đất. Bù lại, quận thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp đến nay đều đã vượt kế hoạch năm.

Quận 5: Nhiều mặt bằng “trùm mền” trong khi doanh nghiệp không có đất mở rộng sản xuất kinh doanh ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA
Quận 5 xác định những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là về vốn và mặt bằng. Trong đó, do khó khăn về mặt bằng, các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất đang dịch chuyển dần sang khu vực ngoại thành.

“Hiện có nhiều mặt bằng trống nhưng đều của nhà nước, không có điều kiện để khai thác. Phòng Kinh tế đang phối hợp tham mưu giải tỏa việc này”, Trưởng phòng Kinh tế quận 5 Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ cho biết thêm, hiện trên địa bàn quận có 13 dự án của Trung ương và TPHCM, của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đang “trùm mền”, với tổng diện tích 7,5ha.

“Dù chỉ 7,5ha nhưng rất quý với một địa phương như quận 5. Quận chỉ có tổng diện tích 420ha, trên địa bàn lại có 16 bệnh viện, 12 chợ truyền thống, 233 chung cư, một nhà máy thuốc lá, một nhà máy bia. Vậy mà 13 dự án trên, có dự án đã không nhúc nhích suốt gần ba chục năm rồi…”, Phó Chủ tịch UBND quận 5 nói.

Theo ông, nếu những dự án này, đa số là thương mại, nhà ở mà được khởi động sẽ đem lại bộ mặt khang trang cho đô thị, đồng thời hoạt động kinh tế của quận cũng phát triển.  

Quận 5: Nhiều mặt bằng “trùm mền” trong khi doanh nghiệp không có đất mở rộng sản xuất kinh doanh ảnh 3 Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA
Về việc này, ĐB Lê Trương Hải Hiếu cho rằng nếu những khu vực này là đất công thì Ban Thường vụ Quận ủy nên báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy, đề xuất kiến nghị và lên phương án sử dụng hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục