Một tòa án tại Pakistan vừa kết án 33 năm tù giam bác sĩ Shakeel Afridi vì tội phản quốc đồng thời phạt ông 3.500 USD vì đã phạm tội làm gián điệp cho Mỹ trong vụ tiêu diệt Osama Bin Laden. Bản án cho thấy quan hệ Mỹ - Pakistan vẫn còn nhiều tranh cãi.
Shakeel Afridi giúp Mỹ tìm Bin Laden như thế nào?
Afridi đã giúp CIA dùng chiến dịch xét nghiệm máu và tiêm chủng viêm gan siêu vi B để thu thập các mẫu ADN từ các cư dân sống tại thành phố Abbottabad, nơi CIA nghi ngờ Bin Laden đang ẩn náu. Bằng cách này, CIA đã phát hiện ra Bin Laden. Afridi đã tiêm chủng trong khu vực này ngày 26-4-2011, chỉ 5 ngày trước khi CIA mở chiến dịch hạ sát trùm khủng bố Bin Laden. Đổi lại ông nhận được 10.000 USD.
Ông Afridi tiếp xúc với CIA qua nhân vật tên Peter. Peter rời khỏi Pakistan ngay ngày Mỹ tung chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Sau này, khi bị Cơ quan an ninh Pakistan (ISI) thẩm vấn, Afridi cho rằng ông chưa bao giờ biết rằng có khả năng Bin Laden sống trong khu phức hợp này mà chỉ nghi ngờ CIA đang săn lùng một mục tiêu quan trọng nào đấy.
Bác sĩ Afridi là một trong những chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng bại liệt ở Pakistan. CIA bắt đầu với một “dự án” tiêm chủng tại một khu vực nghèo của thành phố Abbotabad sau đó bắt đầu đến khu vực có ngôi nhà được cho là có thể Bin Laden ở bên trong. Tình báo Mỹ lên kế hoạch “tiêm chủng” này sau khi theo dõi một người đưa thư của Al-Qaeda mang tên Abu Ahmad al-Kuwaiti tới ngôi nhà này.
Sau khi có mẫu ADN từ những đứa trẻ tại ngôi nhà này, CIA so sánh với mẫu ADN của người chị Bin Laden chết năm 2010 ở Boston, Mỹ. Nếu đúng thì chắc rằng gia đình Bin Laden sống ở đây và không loại trừ có cả trùm khủng bố.
Bác sĩ Afridi tới Abbotabad vào tháng 3-2011 và thông báo với quan chức y tế địa phương rằng ông có quỹ để tiêm ngừa viêm gan siêu vi B và ông trả tiền hậu hĩ cho các nhân viên y tế ở đây để tham gia chiến dịch tiêm chủng mà họ không hề biết rằng đã tiếp tay cho ông thực hiện âm mưu của CIA.
Những nhân viên y tế địa phương là một trong số ít người từng vào trong ngôi nhà của gia đình Bin Laden để tiêm chủng ngừa bại liệt cho các con của y. Chiến dịch tiêm chủng của Afridi có hẳn các tờ rơi với loại vaccine được cho là do Amson sản xuất. Công ty dược phẩm này nằm ở ngoại ô Islamabad.
Các y tá được huấn luyện cách khéo léo lấy máu bệnh nhân sau khi tiêm xong vaccine ngừa viêm gan siêu vi B. Y tá Bakhto là người được vào trong khu phức hợp của gia đình Bin Laden để tiêm ngừa. Khi đó, Afridi chờ bên ngoài bảo cô này mang theo một túi xách tay bên trong có một thiết bị điện tử nhưng không biết đó là thiết bị gì. Sau khi kết thúc chiến dịch tiêm ngừa, Mỹ đã xác định được Bin Laden có mặt trong ngôi nhà và bắt đầu chiến dịch tiêu diệt y.
Phản ứng từ Pakistan và Mỹ
Không lâu sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, ISI phát hiện ra vai trò của Afridi. Ông và nhiều nhân viên y tế cộng sự bị cách chức, Afridi bị bắt.
Phía Mỹ cho rằng phiên tòa xử Afridi không đúng luật vì ông “phạm tội” ở Abbotabad nhưng lại xử tại tòa án bộ tộc ở Khyber. Afridi cũng không có luật sư vì xử theo luật của bộ tộc của Pakistan. Sau khi bị tuyên án, ông Afridi bị chuyển tới nhà giam ở Peshawar.
Luật sư Shahzad Akbar nói với CNN rằng “nếu gia đình bác sĩ Afridi kháng cáo lên Tòa án tối cao Pakistan có thể Afridi được xét xử lại, khi đó, ông có cơ hội được thuê luật sư”. Cũng theo vị luật sư này, việc đưa Afridi ra xét xử chỉ là cách gỡ lại thể diện cho ISI vốn bị chỉ trích sau khi không hay biết gì về chiến dịch của Mỹ tiêu diệt Bin Laden ngay trên đất Pakistan.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã can thiệp nhằm cứu Afridi ngay từ khi ông này bị bắt. Giờ đây bà tiếp tục kêu gọi Pakistan thả ông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng “không có căn cứ cho các cáo buộc cũng như việc giam giữ ông Afridi”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thừa nhận vai trò của Afridi trong việc phát hiện Bin Laden và đã ca ngợi sự đóng góp của ông. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Carl Levin cùng thuộc Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ đã bày tỏ “sốc và giận dữ”. Hai ông này tuyên bố: “Bác sĩ Afridi đã tạo nên một kiểu mẫu mà chúng tôi mong đợi nhiều người khác ở Pakistan sẽ noi theo. Ông ấy nên được khen ngợi và tưởng thưởng vì hành động của mình hơn là bị trừng phạt”.
Sau chiến dịch tiêu diệt Bin Laden cũng như vụ NATO ném bom làm chết 24 binh sĩ Pakistan sau đó, Islamabad đã đóng cửa đường tiếp tế hậu cần cho NATO từ Pakistan sang Afghanistan.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua ở Chicago, trái với dự đoán, Tổng thống Mỹ Barack Obama không “xuống nước” để Pakistan có thể mở cửa trở lại đường tiếp tế này. Ông thậm chí còn không gặp riêng Tổng thống Asif Ali Zardari của Pakistan. Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị này, ông Obama chỉ chào mừng Tổng thống Afghanistan, các quan chức Nga và các nước Trung Á nhưng không một lời nào với Tổng thống Pakistan.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ có thể thay thế đường tiếp vận từ Pakistan bằng con đường đi qua Nga và các nước Trung Á tới Afghanistan nhưng Mỹ vẫn sẽ cần con đường qua Pakistan với chi phí rẻ hơn, nhất là khi Mỹ rút 32.000 quân khỏi Afghanistan vào tháng 9 tới.
Vụ kết án Afridi giờ đây tiếp tục làm gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ - Pakistan. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker cho rằng trong quan hệ Pakistan - Mỹ, cả hai bên đang mất lòng tin lẫn nhau: Mỹ không tin vào Pakistan trong cam kết chống Taliban cũng như Pakistan không tin Mỹ sẽ giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan sau năm 2014.
| |
Khánh Minh