Phản ứng sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ngày 17-7 Tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định những biện pháp đó đang đẩy quan hệ Nga - Mỹ vào ngõ cụt. Nga gọi các biện pháp trừng phạt mới mang tính xúc phạm và không thể chấp nhận được, đồng thời dọa trả đũa.
Trừng phạt Nga
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được Tổng thống Barack Obama công bố nhắm vào hàng loạt thể chế và lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga vì lý do Nga can thiệp vào nước láng giềng Ukraine. Các công ty của Nga bị trừng phạt lần này gồm các công ty năng lượng tới các ngân hàng và các công ty quốc phòng.
Một số chính khách Nga cũng nằm trong diện trừng phạt này. Ông Obama tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không có các biện pháp cụ thể để giúp ổn định tình hình ở miền Đông Ukraine.
Ngay sau hành động đơn phương của Mỹ, từ Brussel (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU cũng đã ra tuyên bố nhất trí siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Mátxcơva, ngừng các khoản đầu tư mới vào Nga của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD). Hội đồng châu Âu cũng sẽ cân nhắc chấm dứt các chương trình hợp tác song phương và khu vực với Nga, trong đó có việc cung cấp cho Nga 450 triệu EUR trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2020.
Mặc dù EU nhìn nhận những đóng góp của Nga trong việc ổn định khủng hoảng Ukraine, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định là “chưa đủ”.
Đáp lại, Tổng thống Putin tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Mátxcơva sẽ phản tác dụng, tác động ngược trở lại đối với Mỹ và giáng một đòn nghiêm trọng vào quan hệ song phương.
Chiến sự Ukraine vẫn căng thẳng
|
Việc Mỹ đi trước EU đơn phương trừng phạt Nga phản ánh tâm trạng thất vọng của Washington về việc châu Âu không muốn mạnh tay chống lại Mátxcơva. Trên thực tế, mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ của châu Âu với Nga đã khiến EU ngại ngần vì trừng phạt Nga có thể tác động ngược trở lại và gây tổn thất cho nền kinh tế của họ.
Hãng Itar-Tass dẫn lời Fares Kilzie, người đứng đầu công ty tư vấn về năng lượng Creon, cho biết các lệnh trừng phạt mới được phương Tây thông qua chống lại Mátxcơva sẽ khiến ngành công nghiệp năng lượng của Nga mất ít nhất 150 tỷ USD - 200 tỷ USD.
Giới quan sát nhận định nhiều khả năng lượt cấm vận mới sẽ đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái, tuy nhiên nó cũng không ảnh hưởng gì đến việc ra quyết sách về Ukraine của nhà lãnh đạo Nga.
Cùng ngày, Bộ Năng lượng Nga cho biết các cuộc đàm phán song phương giữa Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Ủy viên EU phụ trách năng lượng Guenther Oettinger sẽ hoãn sang tuần tới. Cuộc đàm phán bị hoãn sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jose Manuel Barroso cho biết cơ quan hành pháp này đang xem xét các kịch bản của khả năng ngừng một phần hay hoàn toàn hoạt động cung cấp khí đốt của Nga, vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Kết luận của EC về khả năng trên sẽ được đệ trình vào tháng 10.
Hiện chiến sự tại miền Đông Ukraine vẫn leo thang căng thẳng. Ngày 17-7, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn tại 3 khu dân cư ở miền Đông Ukraine gồm Amvrosievka, Marinovka và Izvarino thuộc tỉnh Donesk sau một vụ không kích phá hủy một chung cư ở thị trấn Snizhne, miền Đông Ukraine, làm 11 người chết và 8 người bị thương.
Theo ông Putin, Mỹ đã không nỗ lực thúc đẩy hòa bình mà ngược lại đang đẩy chính quyền Kiev hiện nay tiếp tục cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ông khẳng định chính sách này của Mỹ sẽ thất bại.
HẠNH CHI (tổng hợp)