Quản lý bất cập, sinh viên lách quy định

300 ngàn đồng = 5 ngày công tác xã hội
Quản lý bất cập, sinh viên lách quy định

Từ năm học 2008, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TPHCM ban hành quy định thực hiện chương trình công tác xã hội (CTXH) cho sinh viên (SV) hệ chính quy từ khóa 2007. Theo đó, trường yêu cầu SV phải tích lũy ít nhất 15 ngày CTXH trong suốt khóa học thì mới được xét tốt nghiệp. Quy định trên xuất phát từ mục đích muốn sinh viên, ngoài những kiến thức tại trường sẽ tích lũy thêm những kỹ năng mềm, khả năng tổ chức công việc, làm việc nhóm, ý thức với cộng đồng… Đây là những yếu tố cần thiết cho công việc sau khi ra trường nhưng do cách làm và quản lý chưa chặt, dẫn đến bất cập xảy ra.

Các bạn trẻ tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi.

Các bạn trẻ tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi.

300 ngàn đồng = 5 ngày công tác xã hội

Với danh nghĩa là sinh viên năm cuối bị giam bằng tốt nghiệp do chưa đủ ngày CTXH, chúng tôi liên hệ một người tên T. (sinh viên K08-Trường ĐH Bách Khoa TPHCM) qua số điện thoại 0166558**** với mong muốn tìm “sự dàn xếp ổn thỏa” như lời của sinh viên này quảng cáo.

Đúng hẹn, T. cho chúng tôi xem Giấy chứng nhận Tiếp sức mùa thi (số thứ tự 2705) có hiệu lực quy đổi thành 5 ngày CTXH. Sinh viên này cho biết thêm, có thể cung cấp với số lượng nhiều hơn nếu có nhu cầu. Giá mỗi giấy chứng nhận là 300 ngàn đồng. “Anh cứ yên tâm, đây là giấy thật, em đã bán được hơn 10 giấy như vậy rồi. Trước đây do kẹt tiền nên được bạn lớp trưởng chỉ cho cách bán như vậy chứ em cũng sợ. Vả lại, em cũng mua lại từ các cán bộ chỉ huy chiến dịch tình nguyện rồi bán kiếm hoa hồng, chứ bản thân làm gì có được nhiều giấy chứng nhận như vậy”, T. “quảng cáo” thêm. Khi chúng tôi đưa ra yêu cầu lấy 4 giấy với giá hơn 1 triệu đồng, T. cho biết không mang nhiều đến trường, các giấy còn lại đang ở phòng trọ, sẽ cung cấp sau.

Kiểm tra giấy chứng nhận, quả thật đó là “hàng thật” do Hội Sinh viên TP cấp trong đợt Tiếp sức mùa thi 2011. T. cho biết, đây là giấy của T. có được trong đợt tình nguyện đó, hoạt động cùng các anh chị trong hội đồng hương tỉnh. Sở dĩ có được nhiều giấy chứng nhận mới (chưa ghi tên) như vậy là nhờ “chiêu” của các cán bộ chỉ huy chiến dịch tình nguyện. Khi phát giấy chứng nhận cho sinh viên tham gia hoạt động, thường các “cán bộ” chỉ hỏi sinh viên đã đủ ngày CTXH chưa, nếu đủ thì cho xin lại. “Mà sinh viên chỉ cần giấy chứng nhận để quy đổi ngày CTXH thôi. Chứ đủ ngày rồi thì giấy đó cũng chẳng có giá trị bao nhiêu”, T. phân trần.

Khi công tác xã hội không còn tự nguyện

Theo quy định về CTXH tại Trường ĐH Bách khoa TP, nếu SV tham gia những hoạt động do Đoàn Thanh niên hoặc Hội SV của trường tổ chức sẽ được các tổ chức này đánh giá, xác nhận, đóng dấu. Nếu tham gia các hoạt động ngoài trường phải làm báo cáo công việc có xác nhận - đóng dấu của các đơn vị mà SV tham gia. Đầu mỗi năm học, ban cán sự lớp phải thống kê số liệu SV tham gia CTXH và các minh chứng rồi gửi báo cáo về các khoa. Một số sinh viên phản ánh, thường đến chơi và giao lưu với các mái ấm nhà mở đến địa bàn TP. Xong một ngày lại lên thủ trưởng các đơn vị xin giấy xác nhận. Nhiều người cứ nghĩ mình đến đó vì giấy xác nhận chứ chẳng hề có tình cảm gì đối với đơn vị họ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Anh Cường, Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Dù nhà trường chú trọng công tác quản lý nhưng sai sót không thể tránh khỏi do trường là đơn vị đầu tiên trên cả nước áp dụng quy định này. Tuy nhiên, thời gian qua, Đoàn trường đã nắm bắt những phản ánh tương tự như trên của nhiều sinh viên, chúng tôi sẽ đề xuất nhà trường xem xét lại các yêu cầu về minh chứng”.

Liên quan đến vấn đề mua bán giấy chứng nhận, anh Cường cho biết thêm, đến khi phía báo phản ánh thì nhà trường mới nắm được thông tin này. Thường những hoạt động trong nhà trường đều lưu lại danh sách các sinh viên tham gia, nên gian lận là chuyện không có. Tuy nhiên với những hoạt động bên ngoài nhà trường, thường là các hoạt động của Hội sinh viên TP hoặc các Hội đồng hương, dù nhà trường có quy định sinh viên gửi báo cáo cụ thể về hoạt động nhưng thực sự cũng khó kiểm soát. Thời gian tới, nhà trường có thể sẽ làm việc với các đơn vị nêu trên để quản lý chặt hơn, tránh xảy ra tình trạng tương tự.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Kiều Hưng, Phó Chủ tịch Hội SV TP, cho biết kết thúc mỗi hoạt động tình nguyện, Hội SV TP, Thành Đoàn TP thường phát cho các bạn tham gia một giấy chứng nhận như một sự ghi nhận đóng góp của các bạn. “CTXH luôn được đặt trên tinh thần tự nguyện và phải xuất phát từ trái tim, tấm lòng. Một khi SV không nhận ra được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, không hiểu hết ý nghĩa của CTXH thì họ sẽ tham gia một cách đối phó mà quên rằng, tham gia CTXH giúp họ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, dễ thành công hơn khi đi làm và vì thế cũng sẽ được các tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn”, anh Hưng cho biết thêm.

N.Tường – S.Trà

Tin cùng chuyên mục