Quản lý bệnh lây nhiễm bằng công nghệ GIS

Quản lý bệnh lây nhiễm bằng công nghệ GIS

Trước nỗi bức bách về kiểm soát các ổ dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn TPHCM, Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (HCMGIS) trực thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM nghiên cứu, phát triển thành công ứng dụng GIS quản lý bệnh lây nhiễm, khắc phục được nhiều hạn chế so với hoạt động kiểm soát dịch bệnh thủ công trước đây.

Từ nhu cầu thực tế

Dù có nhiều nỗ lực, nhưng do chưa được đầu tư đúng mức nên hoạt động kết nối kiểm soát dịch bệnh giữa y tế phường và y tế dự phòng TPHCM từ trước đến nay vẫn còn nhiều khâu thực hiện thủ công. Theo quy trình chung, khi một bệnh nhân đến khám, chữa bệnh sốt xuất huyết tại các bệnh viện tuyến trên (tuyến quận huyện, thành phố, trung ương…), các y, bác sĩ ở đây ghi nhận các ca bệnh và gửi dữ liệu về Trung tâm Y tế dự phòng TP. Vào cuối ngày, trung tâm này tổng hợp dữ liệu các ca bệnh và gửi về trung tâm y tế dự phòng quận/huyện, quận/huyện mới gửi về phường/xã và phải mất từ 1 đến 2 ngày, trạm y tế phường/xã mới tiếp nhận được đầy đủ dữ liệu. Sau đó, phường/xã tiến hành xác minh tên, địa chỉ nhà của bệnh nhân. Nếu sai phải báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng TP. Nếu đúng, phường/xã sẽ tiến hành khoanh vùng ổ dịch (nếu có) để theo dõi phun thuốc…

HCMGIS tập huấn sử dụng “Ứng dụng quản lý bệnh lây nhiễm bằng công nghệ GIS” tại p.5, quận 8

Mặc dù trong tình trạng cấp bách phòng dịch nên cần tập trung nhiều nỗ lực từ các nhân viên ở các trung tâm y tế dự phòng, nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian để kết nối thông tin. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân khai địa chỉ theo chứng minh nhân dân, nhưng trên thực tế lại đang sinh sống ở một địa chỉ khác; cũng có trường hợp bệnh nhân khai đúng phường nhưng không có địa chỉ chính xác… Trong các trường hợp đó, cán bộ kiểm soát dịch của phường phải mất rất nhiều thời gian để xác minh. Khi xác minh được, cũng chỉ khoanh vùng dịch rất thủ công trên bản đồ giấy. Tính chính xác chỉ ở mức tương đối, hoạt động theo dõi ổ dịch cũng không thể liên tục, mọi lúc mọi nơi.

Trên thực tế, qua tìm hiểu cho thấy, quá trình xác minh và ghi nhận số ca bệnh cũng chưa có sự liên thông chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, nên không tránh khỏi… thống kê số ca bệnh ảo. Cùng một bệnh nhân, nhưng bệnh viện tuyến trên tính là 1 ca, bệnh viện tuyến dưới tính 1 ca; hoặc một bệnh nhân khám bệnh ở 2 cơ sở y tế khác nhau trong một ngày cũng tính là 2 ca bệnh… Cho nên, trong thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết hay các bệnh lây nhiễm khác bùng phát, như thời điểm cuối năm 2015, ở một phường/xã có tháng đến hơn 600 ca bệnh sốt xuất huyết, gây áp lực lớn về thời gian và khối lượng công việc đối với cán bộ kiểm soát dịch tại phường/xã.

Trước nỗi bức bách này, đòi hỏi có một công cụ để quản lý tự động, kết nối liên tục giữa các đơn vị và có thể kiểm soát, theo dõi ca bệnh, ổ dịch theo thời gian chính xác… là điều hết sức cần thiết. Chính vì thế ứng dụng “Quản lý bệnh lây nhiễm bằng công nghệ GIS” đã được ra đời, là sự phối hợp thiết thực của Sở KH-CN và Sở Y tế TPHCM.   
        
Nhiều ích lợi

Trên cơ sở kế hoạch phối hợp công tác giữa 2 sở, HCMGIS đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP nghiên cứu, tìm hiểu thực tế tình hình dịch bệnh, cũng như các bất cập trong công tác quản lý, khoanh vùng ổ dịch. Tháng 10-2015, dự án ứng dụng GIS hỗ trợ quản lý bệnh lây nhiễm chính thức được khởi động, cũng là lúc trùng với thời điểm dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng đang bùng phát, đòi hỏi HCMGIS phải sớm đưa ra giải pháp phù hợp.

Thạc sĩ Khưu Minh Cảnh, thành viên tổ kỹ thuật HCMGIS cho biết, với lợi thế về công nghệ GIS, cũng như nguồn dữ liệu sẵn có về bản đồ số trên địa bàn TPHCM, các kỹ sư của HCMGIS đã xây dựng ứng dụng có nhiều ưu điểm như: Khả năng dữ liệu được đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp phường/xã ngay khi nhận được thông tin từ các bệnh viện; khả năng tự động khoanh vùng ổ dịch thông qua bản đồ số trên ứng dụng. Chưa kể, cán bộ kiểm soát dịch có thể sử dụng bản đồ khoanh vùng dịch mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm thông qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng…

Thông qua ứng dụng này, cán bộ kiểm soát dịch cấp phường/xã nhận được thông tin ngay sau khi Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cập nhật ca bệnh. Từ đó có định hướng không gian ca bệnh trên bản đồ để hỗ trợ công tác phun hóa chất/thuốc diệt muỗi tại địa phương hiệu quả; liệt kê các tổ dân phố liên quan, phát hiện các ổ dịch liên phường/xã và liên quận/huyện một cách nhanh chóng. Ngoài ra, ứng dụng này giúp tăng độ chính xác, tránh các ca bệnh trùng lắp trong các báo cáo thống kê.

Dự kiến trước tháng 5-2016, ứng dụng sẽ được triển khai thí điểm tại 6 trạm y tế phường gồm các phường 4, 5 (quận 8); các phường Linh Xuân, Linh Trung (quận Thủ Đức) và các phường Tây Thạnh, Phú Thạnh (quận Tân Phú). Sau đó, các đơn vị tiến hành đánh giá và xem xét nhân rộng trên tất cả các phường/xã của các quận, huyện còn lại trong cuối năm nay.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục