Quản lý chặt hoạt động ngoại cảm để hạn chế việc lừa đảo

Vụ án nhà ngoại cảm lừa đảo thân nhân gia đình liệt sĩ đang gây chấn động toàn xã hội. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với Báo SGGP online liên quan đến vụ việc này. Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, những hoạt động ngoại cảm lừa đảo trong thời gian qua cần phải xử lý thật nghiêm và cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho những ai bảo kê, hậu thuẫn cho những hành vi này.
Quản lý chặt hoạt động ngoại cảm để hạn chế việc lừa đảo

Vụ án nhà ngoại cảm lừa đảo thân nhân gia đình liệt sĩ đang gây chấn động toàn xã hội. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với Báo SGGP online liên quan đến vụ việc này. Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, những hoạt động ngoại cảm lừa đảo trong thời gian qua cần phải xử lý thật nghiêm và cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho những ai bảo kê, hậu thuẫn cho những hành vi này.

*Phóng viên: Tình trạng có nhiều người xưng là nhà ngoại cảm để lừa đảo, theo ông lỗi do đâu?

Ông Nguyễn Bá Thuyền

Ông Nguyễn Bá Thuyền

* Ông Nguyễn Bá Thuyền: Dư luận đã từng đặt vấn đề về chuyện này và thực tế chúng ta cũng đã từng xử lý một số vụ, chứ không phải vụ cậu Thủy lần này là đầu tiên. Vì thế, tôi cho là cần phải tăng cường tuyên truyền để làm sao nhân dân nhận thức được, ngoại cảm là một vấn đề đang nghiên cứu, chứ ngoại cảm không phải đã phát triển thành một nghề có niềm tin vững chắc. Nếu chúng ta cứ hoàn toàn tin chắc vào điều đó thì không tránh khỏi chuyện bị lừa đảo. Vì vậy vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý đối tượng này như thế nào, phải xác định những ai được phép làm việc đó.

* Vấn đề là rất khó có cơ sở để khẳng định đâu là nhà ngoại cảm thực sự có năng lực?

*Chúng ta đã có Hội đồng nghiên cứu về tâm linh để khảo nghiệm năng lực ngoại cảm của những người có năng lực này. Nhưng theo tôi, dù thế nào thì năng lực ngoại cảm cũng chỉ để tham khảo thôi, còn để quy định trở thành một nghề  mang tính công khai thì đó là vấn đề khó, khó đối với cả thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Vấn đề là tăng cường quản lý để hạn chế tối đa việc lợi dụng ngoại cảm để lừa đảo, nhất là lừa đảo để thực hiện chính sách tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.

* Thực ra, với xã hội, khó để đưa một quy định hành chính về ngoại cảm. Chỉ có thể khuyến cáo để người dân tỉnh táo trong vấn đề vận dụng năng lực các nhà ngoại cảm. Nhưng đối với việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thì lại là vấn đề khác. Ông có cho rằng Nhà nước cần có quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề này?

* Hài cốt liệt sĩ hiện chưa tìm thấy được còn rất nhiều. Chúng ta đều mong Bộ Quốc phòng giải mã hết  được các phiên hiệu của các đơn vị chiến đấu. Ngày xưa, họ chỉ ghi ký hiệu thôi, mà bộ đội thì có thể hy sinh ở khu vực này, khu vực kia. Vì vậy bây giờ phải phiên hiệu  được những đơn vị đó chiến đấu ở đâu, hy sinh ở đâu thì mới tìm chính xác được. Còn không phiên hiệu chính xác được, chỉ có thông tin là hy sinh ở mặt trận phía Nam chẳng hạn thì gia đình sẽ tin vào những thông tin ít ỏi đó để vận dụng năng lực ngoại cảm kiếm tìm.

Vì thế, tôi vẫn cho rằng điều quan trọng nhất trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là phải giải mã được những phiên hiệu đó để cung cấp cho gia đình liệt sĩ những thông tin chính xác nhất. Ví dụ, đã xác định được bộ đội hy sinh ở khu vực Quảng Trị, thì không thể tin vào kết quả nhà ngoại cảm tìm thấy hài cốt ở Tây Nguyên như đã xảy ra trong thực tế. Cũng chỉ khi có thông tin chính xác thì gia đình liệt sĩ mới không bị nhà ngoại cảm lừa đảo.

* Nhà nước có chính sách hỗ trợ gia đình liệt sĩ đi tìm hài cốt liệt sĩ, miễn phí tiền xét nghiệm ADN hài cốt. Tuy nhiên nhiều gia đình không sử dụng chính sách này mà tự nhờ nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt liệt sĩ đưa về an táng, gây nên những nhầm lẫn đáng tiếc trong thời gian qua. Nên chăng phải đưa ra quy định bắt buộc hài cốt liệt sĩ phải được giám định ADN trước khi đưa vào nghĩa trang liệt sĩ?

*Tôi nghĩ cũng cần phải có quy định cho rõ, để tránh việc người dân cứ tin tưởng vào các nhà ngoại cảm một cách tuyệt đối - mà niềm tin đó thì cũng chỉ là niềm tin thôi, không có cơ sở khoa học. Cơ sở khoa học không có thì gây khó khăn cho việc quy tập hài cốt liệt sĩ, bởi không biết có đúng là hài cốt liệt sĩ không. Vì vậy, cần kiên quyết nếu hài cốt không được giám định chính xác thì không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Toàn bộ quá trình này Nhà nước sẽ bỏ tiền ra để làm. Tôi tin, nếu được tuyên truyền đẩy đủ thì các gia đình liệt sĩ sẽ chấp hành quy định thôi.

 Ông Hoàng Công Thái, cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội):

Trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Chính phủ giao nhiệm vụ khá rõ cho các bộ ngành. Như Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nếu phát hiện nơi có hài cốt liệt sĩ hoặc dấu hiệu có hài cốt liệt sĩ thì báo cho Bộ Quốc phòng, để bộ này khảo sát, tổ chức tìm kiếm quy tập. Về quy định, chỉ có Bộ Quốc phòng mới có chức năng tìm kiếm hài cốt.

Phan Thảo thực hiện

Tin cùng chuyên mục