Thời gian gần đây, các sự cố khi thi công nhà cao tầng ở TPHCM đã liên tiếp xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Là cơ quan có trách nhiệm quản lý về xây dựng, Sở Xây dựng TP đã làm gì và làm thế nào để hạn chế những sự cố?
Xây hầm là gặp sự cố
Khoảng tháng 10-2007, toàn bộ khu nhà hơn 100m² gồm 1 trệt, 1 lầu là văn phòng của Tạp chí Khoa học Xã hội (thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ - Viện KHXHVNB) đổ sập hoàn toàn. Nguyên nhân là do việc thi công cao ốc Pacific (số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai) bên cạnh gây nên. Theo giấy phép, cao ốc Pacific gồm 1 trệt, 20 lầu và 3 tầng hầm, nhưng công trình xây lố đến 3 tầng, đến tầng hầm thứ 6 thì gây ra sự cố.
Được biết trước đó, vào tháng 12-2006, công trình này đã được Thanh tra Sở Xây dựng TP ra quyết định yêu cầu ngưng ngay thi công phần móng tiếp giáp Viện KHXHVNB vì khi thi công đã gây rạn nứt, chấn động trụ sở của Viện KHXHVNB. Cơ quan ra quyết định đề nghị có biện pháp gia cố, chống đỡ vách đất các vị trí tiếp giáp công trình lân cận; tư vấn thiết kế tính toán lại giải pháp kết cấu móng, ngăn ngừa ảnh hưởng đến các công trình xung quanh. Thế nhưng, sau đó công trình vẫn được tiếp tục. Đến tháng 7-2007, việc thi công này tiếp tục gây nứt khu nhà Viện KHXHVNB nên UBND quận 1 cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư 2 triệu đồng. Tuy nhiên, công trình tiếp tục được thi công và lại xảy ra sự cố tiếp theo là làm sụt lún Sở Ngoại vụ TP vào tháng 1-2008.
Cũng trong 10-2007, tại công trường xây dựng cao ốc Sài Gòn Residences (11D Thi Sách quận 1) do Công ty Liên doanh căn hộ Sài Gòn làm chủ đầu tư khi thi công tầng trệt được khoảng 2/3 diện tích móng thì sự cố xảy ra. Trước đó khoảng 5 tháng, Sở Xây dựng TP đã có quyết định đình chỉ thi công công trình này do chung cư số 5 Nguyễn Siêu có hiện tượng nứt các căn hộ. Sở Xây dựng và UBND quận 1 đã yêu cầu chủ đầu tư xử lý biện pháp thi công, thuê công ty tư vấn thiết kế đề ra các giải pháp khắc phục… Sau khi đơn vị thi công đóng thêm một hàng cừ thép để phục vụ đào hố móng, ngày 18-10-2007, Sở Xây dựng đã cho phép thi công lại và tiếp tục xảy ra sự cố trên.
Mới đây nhất, ngày 31-1-2010, căn nhà số 3, số 5 Hàm Nghi (quận 1, TPHCM) đã bị sập do xây dựng tòa nhà Saigon M&C (Công ty cổ phần Địa đốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư). Công trình này có quy mô 5 tầng hầm và 41 tầng cao, đang thi công tới tầng lầu thứ 2 và tầng hầm thứ 3 thì gây ra sự cố. Nguyên nhân được xác định là do nhà thầu đã tận dụng diện tích xung quanh để xây dựng tầng hầm bên dưới, tường vây có lỗ hổng nên nước ngầm cùng bùn đất chảy vào tầng hầm công trình, gây sụt lún nền móng, làm sập đổ nhà và sạt lở lòng, lề đường.
Chỉ 10% công trình được kiểm tra
Sau hàng loạt các sự cố liên quan đến thi công tầng hầm xảy ra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Văn Hiệp cho biết, các sự cố nêu trên chủ yếu là do chất lượng và kỹ thuật thi công của nhà thầu chưa đảm bảo.
Là cơ quan có trách nhiệm trong công tác quản lý chất lượng công trình trên địa bàn TP, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, 2 năm nay, sở đều có đoàn kiểm tra định kỳ các công trình xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên số lượng công trình bị kiểm tra chưa tới 10%.
Việc kiểm tra này cũng chỉ kiểm tra năng lực thực hiện của các đơn vị liên quan chứ không kiểm tra chất lượng công trình. Ông Hiệp còn cho biết một thực tế hết sức đáng lo ngại là hiện TPHCM có rất nhiều công trình xây dựng, nhưng các sở - ngành liên quan đến công tác quản lý chất lượng xây dựng và các quận - huyện đều không có các phòng chuyên trách về quản lý chất lượng (?). Riêng Phòng Quản lý chất lượng của Sở Xây dựng chỉ có 6 người, không thể quản lý hết tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn TP (!). Còn lực lượng thanh tra xây dựng quận - huyện có khoảng 2.400 người nhưng việc kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc thực hiện đúng giấy phép, chứ không đủ năng lực và chuyên môn để kiểm tra được chất lượng công trình. Như vậy, việc kiểm tra chất lượng công trình còn bỏ ngỏ nói gì đến việc kiểm tra quá trình thi công tầng hầm, vốn rất phức tạp.
Thế còn vai trò của sở chuyên ngành trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng? Ông Hiệp cho biết, Sở Xây dựng chỉ tham gia cùng với các sở - ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các sai phạm chứ không chịu trách nhiệm thay các đơn vị thực hiện. Cũng theo ông Hiệp, hiện đã có những quy định, văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo chất lượng công trình khi thi công nhưng bên cạnh nguyên nhân năng lực quản lý hạn chế thì ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một số chủ đầu tư, các đơn vị thi công, giám sát… chưa nghiêm túc đã khiến các sự cố xảy ra.
Để các công trình xây dựng đảm bảo chất lượng, ông Hiệp cho biết sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra các công trình xây dựng, tăng cường xử phạt các vi phạm, đồng thời kêu gọi lương tâm nghề nghiệp của các DN và cả trách nhiệm của cộng đồng. “Mặc dù mức xử phạt đã cao hơn trước đây nhưng vẫn cần tăng hơn nữa mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về chất lượng công trình thì mới đủ sức răn đe” - ông Hiệp kiến nghị.
Hạnh Nhung