Quản lý chặt nguồn nước

Quản lý chặt nguồn nước

Theo nhiều chuyên gia về môi trường, biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) là nước biển dâng, nguồn nước ngầm bị xâm hại có nguy cơ nhiễm mặn, mưa nhiều, lũ lớn… Vì thế, quản lý nguồn nước một cách chặt chẽ, hợp lý chính là hướng đi đầu tiên và quan trọng nhất nhằm thích ứng với BĐKH.

Bài học của nhiều thành phố trên thế giới

Cuối tháng 9 vừa qua, đoàn chuyên gia của TPHCM gồm lãnh đạo nhiều sở, ngành, doanh nghiệp đã sang Hà Lan để dự hội thảo về BĐKH đối với các thành phố châu thổ ven biển. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM - thành viên của đoàn, một trong những điều thú vị nhất mà đoàn thành phố có thể học hỏi được là việc quản lý nguồn nước nhằm thích ứng với BĐKH. Tại Hà Lan, việc quản lý nguồn nước được triển khai xuyên suốt từ chính quyền cho đến từng người dân và được cụ thể hóa bằng các chính sách phát triển đô thị.

Nhiều kênh rạch đang bị lấn chiếm, lấp đầy rác sẽ gây hậu quả xấu lâu dài. (Ảnh chụp tại kênh Hàng Bàng). Ảnh: KIM NGÂN

Nhiều kênh rạch đang bị lấn chiếm, lấp đầy rác sẽ gây hậu quả xấu lâu dài. (Ảnh chụp tại kênh Hàng Bàng). Ảnh: KIM NGÂN

Ông Hưng cho biết, hệ thống sông, kênh, rạch của Hà Lan được bảo vệ rất nghiêm với các hành lang an toàn bảo vệ sông, kênh rất rộng. Công tác xây dựng, phát triển đô thị phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo “cân bằng nguồn nước” với các nội dung chủ yếu: chống ngập, chống nhiễm mặn, bảo vệ nguồn nước. Điều này có nghĩa, khi xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiến trúc khác, yêu cầu về thoát nước sẽ được đưa ra đầu tiên và các kiến trúc sư phải có nhiệm vụ giải bài toán này trước khi tính đến việc xây dựng như thế nào. Việc san lấp sông, kênh, rạch bị hạn chế tối đa và trong tình huống bắt buộc phải thực hiện thì cơ quan, đơn vị, cá nhân được cho phép hoặc tiến hành công tác này phải có trách nhiệm tính toán trả lại cho cộng đồng diện tích thoát nước đã bị san lấp.

Động thái này không chỉ ở Hà Lan mới có, theo tiến sĩ Hồ Long Phi, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Phó ban Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, Nhật Bản cũng có quy định rất chặt chẽ. Thậm chí, tổ chức, cá nhân tiến hành xây dựng công trình trên một khu đất mà trước kia nước mưa có thể thấm tự nhiên, cũng phải tính toán xây hồ hoặc làm các hầm chứa nước, để “bồi hoàn”… đường đi cho nước.

Việc phát triển dân cư và xây dựng các khu nhà ở cũng được kiểm soát hết sức chặt chẽ theo hướng giảm mật độ xây dựng và giảm số lượng người cư trú. Điều này không những liên quan đến việc chống ngập mà còn là bài toán kinh tế trong phát triển đô thị. Vùng đất thấp, có khả năng ngập cao thường là vùng đất có địa chất yếu, phát triển đô thị trên đó sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền và ở góc độ kinh tế là điều không nên, chỉ nên phát triển dân số ở mức độ vừa phải với yêu cầu phát triển kinh tế ở các vùng đất thấp này.

TPHCM sẽ xây dựng chiến lược quản lý nguồn nước

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, một thành viên của đoàn, đã khẳng định như vậy khi được hỏi về kế hoạch cụ thể trong việc ứng phó với BĐKH của TPHCM. Trước tiên,  yêu cầu “cân bằng nguồn nước” sẽ được nghiên cứu và tích hợp đầy đủ trong các đồ án phát triển đô thị của thành phố và từng quận, huyện. Từ trước đến nay, trong các đồ án quy hoạch phát triển đô thị hầu như chỉ có các chỉ tiêu cụ thể về mật độ cây xanh, đất giao thông… mà thiếu các chỉ tiêu cụ thể về thoát nước, sắp tới Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH của TPHCM sẽ đề xuất bổ sung các vấn đề này.

Đặc biệt, nhiệm vụ phát triển đô thị về hướng Nam và hướng ra biển của TPHCM sẽ phải được nghiên cứu hết sức cụ thể, bởi đây không những là vùng đất thấp, nền địa chất yếu mà còn là hướng thoát nước chính của cả thành phố. Tiến sĩ Hồ Long Phi cho rằng, nên đầu tư có trọng điểm, giải quyết bài toán “cân bằng nguồn nước” tới đâu thì phát triển đô thị tới đó. Thậm chí bài toán “cân bằng nguồn nước” cần được đưa ra như là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc chọn khu vực (trong hướng Nam) để phát triển. Điều này không những giúp kiểm soát được việc phát triển đô thị mà còn làm cho công tác chống ngập dễ dàng hơn.

Các bài học về quản lý dân số tại các vùng đất thấp của Hà Lan cũng sẽ được tham khảo, bởi với một dân số vừa sức “chịu đựng” của môi trường tự nhiên sẽ giúp TPHCM phát triển căn cơ hơn. Dự kiến, chiến lược quản lý nguồn nước tại TPHCM sẽ được triển khai xây dựng với sự giúp đỡ của Chính phủ Hà Lan cùng nhiều tổ chức bảo vệ môi trường khác trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu có được một chiến lược bài bản, khoa học, phù hợp với thực tế và được triển khai thực hiện đầy đủ thì TPHCM sẽ có cơ hội phát triển bền vững.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục