Quản lý chuyên nghiệp

“Quyết tâm chính trị” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất tại cuộc hội thảo chiều ngày 23-8 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức nhằm lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định thành lập cơ quan chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Dù bàn về nguyên tắc chung hay các khía cạnh cụ thể, hầu hết các ý kiến tại hội thảo này đều cho rằng, để đạt được hiệu quả cao nhất trong quản lý tài sản thương mại của nhà nước, việc quản lý này phải mang tính chuyên nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc kinh tế thị trường; giống như một trọng tài phải hoạt động hoàn toàn độc lập và tuân thủ luật lệ quốc tế, tách biệt khỏi các bên chơi bóng. Có như vậy mới làm người dân tin tưởng về sự khách quan và có cơ sở để so sánh về tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều này, theo ông Dag Detter, cố vấn của Ngân hàng Thế giới, không hề mâu thuẫn với việc thực hiện “quyết tâm chính trị”. Ông nói: “Hệ thống chính trị và các chính khách đóng vai trò giám sát, rung chuông cảnh báo và đảm bảo sự công khai minh bạch trong suốt quá trình này (bắt đầu ngay từ sự phân định đâu là tài sản thương mại của Nhà nước để cơ quan chuyên trách nói trên thực hiện vai trò chủ sở hữu). Nhưng xử lý công việc cụ thể phải do một cơ quan chuyên môn thuần túy”. Một cố vấn khác của Ngân hàng Thế giới, ông William Mako, chia sẻ quan điểm này và nhận xét thêm, có giải quyết được rạch ròi vấn đề này thì mới khắc phục được những nhược điểm của mô hình SCIC hiện nay.

Theo hướng này, nhiều khuyến nghị cụ thể đã được các chuyên gia quốc tế đưa ra. Điều kiện tiên quyết là sau khi phân định đâu là những tài sản thương mại Nhà nước do cơ quan chuyên trách này quản lý, dự thảo cần quy định rõ các cơ quan quản lý Nhà nước khác không có bất cứ can thiệp nào vào doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngoài những vấn đề thuộc chức năng quản lý Nhà nước chung như đối với mọi loại hình doanh nghiệp khác (về an ninh, lao động, môi trường…).

Về mục tiêu, dự thảo nhấn mạnh cơ quan chuyên trách có trách nhiệm tối đa hóa giá trị vốn và tài sản Nhà nước tại DNNN, song ông Mako phản biện: “Nhiệm vụ này nhiều khi khó thực hiện, ví dụ mục tiêu tối đa hóa giá trị có thể khuyến khích đầu tư ngoài ngành. Tối đa hóa giá trị tài sản cũng có thể khiến cho đại diện chủ sở hữu Nhà nước sa đà vào việc mua bán, sử dụng và định đoạt tài sản. Vì vậy, nhiệm vụ thích hợp ở đây là tối đa hóa giá trị vốn Nhà nước”.

Về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự thảo quy định cơ quan chuyên trách “thực hiện đầy đủ tất cả các quyền chủ sở hữu Nhà nước tại các DN thuộc thẩm quyền quản lý, trừ các quyền thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý vốn Nhà nước và pháp luật có liên quan”.

Vẫn chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cho rằng, “pháp luật có liên quan” là khái niệm quá mơ hồ. Ông đề nghị khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan chuyên trách cũng như người đứng đầu cơ quan chuyên trách và đề xuất “nên chăng cần đặt người đứng đầu cơ quan chuyên trách ở vị trí cao hơn các Chủ tịch Tập đoàn kinh tế hiện nay - vốn là nhân sự do Thủ tướng bổ nhiệm”. Chẳng hạn, người đứng đầu cơ quan chuyên trách có thể là một vị phó thủ tướng.

Bàn về cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên trách, chuyên gia Mako cho rằng, cơ cấu 6 phòng ban như dự thảo là cồng kềnh lãng phí, thậm chí có thể trở thành bộ máy quan liêu can thiệp vào hoạt động hàng ngày của DN.  Chuyên gia này khuyến nghị tổ chức cơ quan chuyên trách thành các nhóm nhỏ 3 người, mỗi nhóm gồm 1 người chính, 1 người dự bị và một trợ lý nghiên cứu. Mỗi nhóm như trên phụ trách 1-3 tập đoàn, tổng công ty. Như vậy có  thể chỉ cần 16 nhóm 3 người: 2 nhóm phụ trách ngành thực phẩm, bia; 1 nhóm phụ trách ngành giấy, lâm nghiệp, 1 nhóm ngành thuốc lá, dược phẩm, 2 nhóm cho viễn thông, 1 nhóm cho hàng không, 1 nhóm cho vận tải… Sự kết hợp của nhóm chuyên nghiệp, có trình độ này với người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN là đủ để thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Theo những thống kê mới nhất, tổng tài sản của các DN nhà nước DNNN hiện khoảng 5.408,4 triệu tỷ đồng, gấp 1,2 lần GDP; song khu vực tư nhân có tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư (ROIC) gấp 2 lần so với các DNNN. Phần lớn bất động sản nằm trong tay nhà nước không thể hiện rõ năng suất và lợi ích trong việc sử dụng.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục