Ngày 5-9, tại Hà Nội, Bộ TT-TT đã tổ chức buổi tọa đàm “Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý” nhằm tìm tiếng nói chung giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động (Telco) và các nhà cung cấp dịch vụ OTT trên nền tảng Mobile Internet, đồng thời đề xuất những chính sách quản lý phù hợp nhằm phát triển loại hình dịch vụ mới.
Nhà mạng thất thu, nhưng chưa cấm
OTT (Over The Top) là giải pháp cung cấp nội dung, dịch vụ cho người dùng dựa trên nền tảng Internet. Ưu thế lớn nhất của công nghệ này là cho phép cung cấp nguồn nội dung phong phú theo yêu cầu của người dùng vào bất kỳ thời điểm nào và tại bất cứ nơi đâu chỉ với 1 thiết bị phù hợp có kết nối Internet. Mặc dù hiện nay OTT còn có một số hạn chế nhất định, song các ưu điểm của dịch vụ OTT vẫn chiếm thế “áp đảo” khiến nó ngày càng được ưa chuộng, như: tốc độ nhận tin nhắn rất nhanh, khả năng gửi file đính kèm, số lượng ký tự lớn… Những ứng dụng này đã hấp dẫn hàng chục triệu người dùng smartphone tham gia ứng dụng OTT do các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước cung cấp như: Facebook, Google, Viber, WeChat, Kakao Talk, Line, Zalo, Skype...
Mặc dù OTT được cung cấp trên nền tảng 3G nhưng các Telco lại không thu được phí từ dịch vụ này. Thực tế, dịch vụ thoại và nhắn tin miễn phí trên các ứng dụng OTT đang gây thất thu lớn cho nhà mạng viễn thông. Ông Võ Đăng Thiên, Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Ovum, năm 2012 dịch vụ SMS và thoại miễn phí OTT đã khiến các nhà mạng viễn thông trên thế giới thất thu 23 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, mặc dù không thể bóc tách được một cách chính xác, song qua theo dõi, Viettel nhận thấy doanh thu trên các thuê bao 3G sử dụng smartphone có cài đặt các ứng dụng OTT thường giảm khoảng 15% - 20% trên 1 thuê bao. Trước đây, theo tính toán của Viettel nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber thì doanh thu của tập đoàn này sẽ giảm 40% - 50%. Trong khi đó, VNPT cho biết các dịch vụ OTT đã làm giảm doanh thu của các nhà mạng ở Việt Nam từ 9% - 10%. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP, khi bị sụt giảm doanh thu do sự xuất hiện của OTT, đã bao giờ các nhà mạng đơn phương hoặc dùng các biện pháp kỹ thuật chặn OTT? Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Viettel chưa bao giờ chặn các dịch vụ OTT. Cũng theo ông Hùng, các mạng Mobifone và Vinaphone cũng không làm điều đó.
Quản lý phải hài hòa
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, những ứng dụng OTT tiện ích do Google, Yahoo, Facebook,... đã tồn tại từ rất lâu nhưng các nhà mạng không phản ứng. Nhưng khi Viber, Zalo, Skype “đánh” vào mảng thoại, dùng dịch vụ data giá rẻ để cung cấp dịch vụ thoại miễn phí, gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu nên các nhà mạng mới phản ứng. Tuy nhiên, Viettel không đánh giá OTT là “nguy hiểm” mà xem đây là một cuộc cách mạng trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông thế giới. Các nhà mạng nên coi OTT là cơ hội để thu tiền, với nhiều ứng dụng và dịch vụ hơn. Nhà mạng không nên quá lo lắng vì có hạ tầng, sở hữu lượng khách hàng lớn, có thể đẩy dịch vụ cơ bản về mặt bằng mới và sáng tạo dịch vụ mới.
Cũng theo ông Hùng, thay vì cấm nên tạo một không gian để cho các dịch vụ OTT phát triển, nên đưa OTT vào khuôn khổ để quản lý. Ông Nguyễn Phong Lộc, đại diện cho dịch vụ OTT Line Messinger ở Việt Nam cho rằng, về bản chất, OTT tạo mặt bằng giá mới cho dịch vụ thoại truyền thống nhưng tạo cơ hội lớn cho dịch vụ phi thoại. Vì thế cơ quan quản lý có thể đưa ra văn bản pháp lý phù hợp, các doanh nghiệp khi tham gia sẽ tuân thủ đầy đủ.
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) vấn đề quản lý OTT là việc phải làm. Quan điểm của Bộ TT-TT là để thị trường tự điều chỉnh và sẽ có những công cụ quản lý thích hợp tùy theo sự phát triển của thị trường dịch vụ này. Về bản chất, OTT hiện mới phát triển dịch vụ thoại là chủ yếu trên cơ sở hạ tầng 3G do cước data tại Việt Nam tương đối rẻ. Nếu tăng cước 3G, tức tăng cước data lập tức dịch vụ OTT sẽ… khó sống. Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định, OTT về cơ bản cũng là dịch vụ viễn thông, do đó nếu có cấp phép hoạt động thì nó cũng sẽ chịu sự quản lý như dịch vụ viễn thông, dù có những đặc thù riêng. Cái khó nhất hiện nay là tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các OTT trong nước và ngoài nước, giữa OTT với doanh nghiệp viễn thông sao cho hài hòa lợi ích các bên mới là điều cần bàn. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xây dựng văn bản pháp lý về vấn đề này. Trước mắt, Bộ TT-TT khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp OTT ngồi lại với nhau hợp tác kinh doanh các dịch vụ thoại và phi thoại, qua đó đem lại được lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và giúp thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững.
TRẦN LƯU