Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến TPHCM. Tuy nhiên, điều này có là nguyên nhân chính gây ngập ở TPHCM? Nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định là không và giải thích: những năm gần đây mực nước biển mới chỉ dâng thêm vài milimét trong khi đó trong đất liền, nước sông đã dâng thêm hàng chục xăngtimét… Đây là hậu quả của tình trạng nhiều vùng thoát nước đã bị san lấp hoặc lấn chiếm, tốc độ đô thị hóa cao làm cho nước không còn chỗ thấm xuống đất… Tóm lại, do con người là chủ yếu.
Ngập tràn lan
Cơn mưa chỉ 5mm hồi đầu tháng 6-2011 vừa qua gây ngập cục bộ cho đường Nguyễn Kiệm là thông tin gây sốc cho nhiều người dân TPHCM và có lẽ cả đối với ngành chức năng.
Sốc là vì TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập từ nhiều năm qua như cải tạo hệ thống thoát nước cho 5 lưu vực kênh rạch lớn của TP: lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, lưu vực kênh Đôi - Tẻ, lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát, đồng thời với nhiều dự án chống ngập cục bộ khác như xóa ngập cho một số điểm ở khu vực bán đảo Thanh Đa, khu vực Mễ Cốc… trị giá hàng ngàn tỷ đồng nhưng sao tình trạng ngập ở TPHCM dường như vẫn không được cải thiện là bao? Thực ra, câu trả lời cũng khá đơn giản, bên cạnh hàng chục điểm ngập đã được xóa trong nhiều năm qua, TPHCM đã để cho hàng chục điểm ngập mới phát sinh. Không phải ngẫu nhiên mà sau 10 năm chống ngập, số điểm ngập ở TPHCM vẫn đứng mãi ở con số 100.
Website của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM luôn cập nhật số liệu về những điểm ngập mới này. Đơn cử chuyện ngập nước ở đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 vừa xảy ra hồi tháng trước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM phát hiện rằng, một số hộ dân xây dựng lấn chiếm bên trên lòng tuyến rạch Bến Chùa và cửa xả thoát nước của tuyến đường số 21 (đây là hướng thoát chính cho khu vực phường Tăng Nhơn Phú A và phường Phước Bình); đồng thời các cửa miệng thu nước đường số 1 bị bít hoàn toàn không còn khả năng thu và thoát nước; do đó làm hạn chế khả năng thoát nước cho tuyến đường Đỗ Xuân Hợp.
Thống kê riêng của PGS-TS Hồ Long Phi, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập ở TPHCM, cho thấy bức tranh tổng thể hơn. Nếu như những năm 2004-2005 tất cả các quận, huyện ven của TPHCM như Gò Vấp, Thủ Đức, quận 7, quận 12, huyện Bình Chánh… chỉ có khoảng 2-3 điểm ngập với khoảng 5-8 lần ngập trong một năm thì bắt đầu từ năm 2006 số điểm ngập ở các quận, huyện này tăng lên tới gần 10 điểm ngập với khoảng 45 lần bị ngập trong một năm.
Và cho đến năm 2007 thì tình trạng ngập ở các địa phương này đã trở nên gần như không thể kiểm soát được. Trong năm 2007 các quận huyện ven của TPHCM đã có tổng cộng 18 điểm ngập với 115 lần ngập/năm. Đến năm 2008 số điểm ngập vọt lên 29 với 198 lần ngập, năm 2009 có 27 điểm ngập, ít hơn năm 2008, 2 điểm nhưng số lần ngập lại tăng lên đến 253. Những năm gần đây tình trạng gia tăng này đã được hạn chế nhưng ngập ở thành phố vẫn diễn biến phức tạp vì hậu quả của những năm trước là quá lớn. Bây giờ bắt tay vào giải quyết, không thể có kết quả trong “một sớm một chiều”.
Cần có bàn tay “sắt”
Thật ra, không cần phải truy cập vào trang thông tin của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM mới thấy rõ các hành vi điển hình gây ngập cho TP. Cứ đi đường và nhìn xuống các hố ga thu nước nằm sát vỉa hè. Trừ một số hố ga nằm trên các tuyến đường trung tâm được quét dọn thường xuyên, rất nhiều hố ga thu nước nằm trên các tuyến đường khác thường xuyên nghẹt cứng vì rác. Rác đủ loại, từ túi ni lông khó phân hủy tới vỏ trái cây, thậm chí có cả đất, đá…
Hệ thống cống thoát nước của TPHCM đa phần nhỏ và cũ, đã quá tải trước những cơn mưa ngày một lớn hơn, dữ dội hơn, lâu hơn nay lại bị nghẹt vì rác nên rõ ràng không thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Kênh, rạch, nơi được coi là hệ thống thu gom nước cuối cùng của TP đa phần, cũng cùng chung số phận “nghẹt vì rác” như phần lớn các hố ga. Đối tượng có hành vi xả rác rất đa dạng: người dân, các đơn vị thi công đào đường “tiện tay” đổ xà bần xuống kênh, rạch, hố ga…
Bất cứ hành vi nào xâm hại đến các công trình thoát nước đều bị lên án thế nhưng công bằng mà nói, những hành vi nêu trên mới chỉ là những sai phạm rất nhỏ so với những hành vi cố tình lấn chiếm sông, kênh, rạch, xây dựng xâm hại hệ thống thoát nước và việc phát triển đô thị tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu sự quản lý nghiêm khắc. Hậu quả của những sai phạm này không chỉ gây ngập cục bộ mà có thể làm cả khu vực rộng lớn bị ngập.
Trở lại với thống kê trong những năm gần đây của PGS-TS Hồ Long Phi: “Quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận 7 là những nơi có điểm ngập mới phát sinh nhiều nhất. Trong đó, quận Thủ Đức phát sinh thêm khoảng 10 điểm ngập, quận 7 khoảng 10 điểm ngập, huyện Bình Chánh khoảng 8 điểm… Đây là những địa phương đã và đang có tốc độ đô thị hóa rất cao và việc biến đất nông nghiệp, đất vườn thành đất đô thị một cách không kiểm soát được chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng ngập ở khu vực. Nước trong nhiều con sông của thành phố thời gian gần đây dâng cao, chủ yếu là do việc phát triển đô thị như vậy (nước không còn đất để thấm, nên dồn hết ra sông).
Từ những nguyên nhân nêu trên, theo ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM, để thực hiện thành công chương trình chống ngập nước nội thị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2011-2015 đề ra, TPHCM phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý đô thị. Các hành vi dù nhỏ như vứt rác xuống hố ga, sông, kênh, rạch đều phải được xử lý nghiêm.
Hiện nay lực lượng cán bộ quản lý đô thị của nhiều quận, huyện rất mỏng và thực trạng ấy cần được khắc phục. Có thể ngân sách TP sẽ phải chi thêm nhiều tiền cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị nhưng nếu hạn chế được hành vi xâm hại đến hệ thống thoát nước cũng đồng nghĩa với việc không tốn thêm chi phí chống ngập. Khoản tiền này chắc chắn không nhỏ so với chi phí trả lương thêm cho cán bộ quản lý đô thị. Đó là chưa kể những lợi ích về môi trường, cảnh quan… hết sức to lớn đối với đời sống người dân nếu tình trạng ngập được hạn chế.
Giải pháp cho các hành vi sai phạm nhỏ là vậy, giải pháp xử lý các sai phạm lớn như xây dựng nhà lấn chiếm sông, kênh, rạch, phát triển đô thị tự phát lại càng cần những biện pháp mạnh hơn. TPHCM nên kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc phát triển các khu dân cư mới, cân nhắc kỹ càng hơn trước khi quyết định cho xây dựng ở những khu vực “là hướng thoát nước chính” của toàn thành phố. Công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm. Bất cứ ai vi phạm các quy định về phát triển đô thị bền vững trong đó có chống ngập đều phải bị xử lý. “Chỉ có quản lý đô thị tốt mới là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ngập nước ở TPHCM” - ông Đặng Văn Khoa nhận xét.
NGUYỄN KHOA