Quản lý doanh nghiệp: Đủ thông tin thì không e ngại

Quản lý doanh nghiệp: Đủ thông tin thì không e ngại

Về nguyên tắc, ai cũng biết rằng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực cực lớn, vì thế bước đi đầu tiên được xác định là tập trung cải cách thể chế, đặc biệt là những khâu ít cần đến nguồn lực. Công tác đăng ký – quản lý doanh nghiệp là một khâu như thế.

Đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Theo ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ chế “tiền đăng - hậu kiểm” trong quản lý doanh nghiệp (DN) tuy đã được khởi động từ năm 2000 (thời điểm Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực) song phải đến thời điểm này - 12 năm sau - các công cụ đảm bảo sự vận hành thuận lợi của cơ chế này mới dần được hoàn thiện.

Đáng lưu ý, đề án Đổi mới quản lý nhà nước đối với DN sau khi đăng ký thành lập vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đưa ra hàng loạt nhóm giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lỏng lẻo trong quá trình hậu kiểm.

Cụ thể, việc tăng cường quản lý nhà nước đối với DN sẽ phải dựa trên quy định của pháp luật, chấm dứt quản lý nhà nước bằng các mệnh lệnh hành chính; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước, nâng cao tính nhất quán, sự minh bạch và bình đẳng của khung khổ pháp luật về kinh doanh…

Theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình khung hậu kiểm đối với DN bao gồm bảy thành tố. Đó là kiểm tra giám sát nội bộ DN; kiểm tra giám sát của chủ nợ; kiểm tra của Hiệp hội Người tiêu dùng; kiểm tra của đối thủ cạnh tranh; kiểm tra của các hội nghề nghiệp; kiểm tra giám sát của xã hội và công luận; và cuối cùng mới là kiểm tra giám sát của Nhà nước.

Thực tế chỉ ra rằng, vai trò giám sát của các nhóm đối tượng trên về hoạt động của DN còn rất hạn chế, kể cả hoạt động giám sát của chủ nợ và bạn hàng - vốn là quan hệ lợi ích thiết thân - cũng không thực sự được đảm bảo. Lý do là tính minh bạch, công khai thông tin về DN (con nợ) còn yếu; các báo cáo tài chính, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không được nộp hoặc nộp không kịp thời, các thay đổi về đăng ký kinh doanh chưa được báo cáo và công bố đầy đủ…

Do vậy, phát triển hệ thống thông tin về DN trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh việc khớp nối, trao đổi trực tuyến thông tin về đăng ký DN giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, thuế, hải quan, thống kê, thanh tra… là nhiệm vụ hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách và nền tảng công nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia có đủ khả năng làm đầu mối cung cấp các thông tin pháp lý về đăng ký DN; xây dựng Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia để công bố rộng rãi dữ liệu về đăng ký DN ra cộng đồng theo quy định của pháp luật nhằm giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp trong các giao dịch về kinh tế, giúp DN hoạt động minh bạch và an toàn hơn; các cơ quan nhà nước một mặt thực hiện quản lý tốt hơn, mặt khác cũng sẽ có những cơ sở xác thực để điều chỉnh chính sách.

Còn nhớ, cũng xuất phát từ quan điểm “đủ thông tin thì không e ngại, không rối loạn”, một giáo sư y khoa nổi tiếng từng đề nghị “điện toán hóa” hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, từ đó cho phép người bệnh tiếp cận hồ sơ bệnh án của mình với một mã số bảo mật. Việc làm này vừa đảm bảo được các quyền riêng tư của người bệnh, đồng thời minh bạch hóa quá trình khám, chữa bệnh của cơ sở y tế, tránh những sai sót không đáng có.

Và tỷ lệ sai sót không nhỏ: vẫn vị giáo sư này cho hay, số ca có sai sót về xử lý y tế ở một nước văn minh như Mỹ vẫn lên đến 7% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú, trong số này có 14% bị tử vong! Vẫn biết mọi sự so sánh đều có chỗ khập khiễng nhất định nhưng theo dõi sức khỏe của doanh nghiệp, tại sao không thể học cách làm này?

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục