Dân số TPHCM tăng nhanh trong khi diện tích đất giao thông tăng ì ạch; số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh so với các năm liền kề… đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Mặc dù TP đã triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, điều hành đô thị, nhưng nhìn chung nhiều dự án mới dừng ở mức thí điểm và riêng lẻ. Thực tế cho thấy rất cần một nghiên cứu tổng thể về hiện trạng, định hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là việc phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn TP.
Điều khiển giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý đường hầm Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TRÍ
Gỡ khó
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm, TP đang gặp phải một số vấn đề trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển ITS. Các hệ thống giao thông tại TP hoạt động độc lập, phục vụ cho nhu cầu riêng của từng ngành; vẫn chưa thống nhất được cơ quan chủ trì trong việc đầu tư khai thác và vận hành hệ thống điều khiển giao thông. Hơn nữa, các ứng dụng công nghệ hiện nay còn rời rạc.
Có thể dẫn chứng, TPHCM có 887 chốt đèn tín hiệu giao thông, chủ yếu hoạt động độc lập bằng thủ công, chưa áp dụng giải pháp điều khiển ITS theo lưu lượng và tình hình giao thông thực tế. Về mô hình trung tâm ITS, lãnh đạo Sở GTVT đề xuất lộ trình phát triển qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2016-2017) cơ bản hình thành Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông, tập trung trên cơ sở hệ thống hạ tầng hiện hữu, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện 4 chức năng chính là giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm an toàn giao thông. Giai đoạn 2 (sau năm 2020), hoàn thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh với quy mô toàn TP. Đây là “trái tim” của toàn bộ hệ thống giao thông thông minh nhằm quản lý chung, kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi, cung cấp dữ liệu, xử lý các sự cố khẩn cấp, phòng chống cháy nổ, ngập lụt…
Ông Lâm Thiếu Quân (Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong) nhìn nhận mô hình trung tâm ITS tại các nước phát triển được sử dụng chung cho 3 hệ thống chính gồm quản lý và điều hành giao thông; quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng; giám sát xử phạt vi phạm giao thông. Thế nhưng, tại TPHCM chưa thể làm được như các nước bạn. Ngoài ra, Trung tâm Điều khiển giao thông; Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn; Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đang lạc hậu về công nghệ; không được bảo trì, nâng cấp nên hay mất tín hiệu… Ông Lâm Thiếu Quân kiến nghị TP nên đầu tư một trung tâm với cơ sở kỹ thuật dùng chung tại một tòa nhà, kết nối về lãnh đạo TP để có thể chỉ huy nhiều vấn đề khẩn cấp (an ninh quốc phòng, thiên tai, tai nạn giao thông…).
Nâng cấp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật
Bàn về mô hình phát triển trung tâm ITS, Tiến sĩ Trần Hồng Minh, Giám đốc FIS giải pháp công nghệ FPT, cho rằng đầu tư phát triển hệ thống ITS là một quá trình liên tục, phân kỳ đầu tư và mở rộng theo nhu cầu phát triển của TP. Do vậy, với mỗi hệ thống thành phần của hệ thống ITS luôn tồn tại nhiều loại thiết bị ngoại vi, phần mềm… khác nhau. Theo đó, song song với việc xây dựng thiết kế tổng thể phù hợp với quy hoạch tổ chức giao thông thì việc tích hợp các hệ thống hiện hữu để tối ưu hóa chi phí đầu tư và vẫn đảm bảo tính đồng bộ liên thông trong toàn hệ thống là hết sức quan trọng.
Vừa qua, FPT đã đưa ra giải pháp thử nghiệm tích hợp các hệ thống (camera giám sát giao thông; hệ thống thiết bị giám sát hành trình trong xe buýt…); đồng thời đưa ra ứng dụng phần mềm thông minh phân tích dữ liệu video thông minh, góp phần cung cấp thông tin hữu ích cho đơn vị quản lý và người dân. Kết quả, FPT tích hợp được toàn bộ camera giám sát (hơn 500 cái) trên nền bản đồ số, đảm bảo khả năng mở rộng và chia sẻ tới các cơ quan quản lý nhà nước, người dân; ứng dụng phần mềm xử lý video thông minh để đo đếm lưu lượng phương tiện, mật độ giao thông tại các đoạn đường, nút thắt giao thông; dự báo, cảnh báo sự cố giao thông từ việc phân tích dữ liệu giám sát hành trình trực tuyến từ 3.000 xe buýt công cộng…
Mong muốn xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông thông minh cho TPHCM, lãnh đạo Sở GTVT đã tham khảo một số mô hình tại các nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc… Từ đó chọn lọc, đưa ra giải pháp đẩy mạnh nâng cấp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kiến thức đối với công tác quản lý và vận hành ITS; đảm bảo cho việc phát triển bền vững của ITS trong tương lai.
THI HỒNG