Ngày 2-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017. Nhiều ĐBQH đã nêu các vấn đề bức xúc của thực tiễn hiện nay, cũng như đòi hỏi phải thực sự có giải pháp để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả.
Tái cơ cấu vẫn… chưa về đến địa phương?
Hầu hết các ĐBQH đều đánh giá cao sự sâu sát, quyết liệt trong từng lời nói, từng hành động của một “Chính phủ hành động và kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn. Kết quả về kinh tế xã hội đạt được cho đến thời điểm này đã thể hiện rõ vai trò của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ thời gian qua. Tuy nhiên, các ý kiến vẫn nêu rõ những bức xúc, trăn trở về nền kinh tế còn nhiều yếu kém nội tại hiện nay, nhất là vấn đề nợ công cao, sức ép trả nợ vô cùng lớn, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn... Đề nghị siết chặt kỷ luật ngân sách, quản chặt nợ công, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ giảm dần nợ công, nợ Chính phủ bằng cách đưa ra các chỉ tiêu trần và sàn; rà soát, xử lý dứt điểm các dự án lớn đầu tư bằng vốn nhà nước, nhưng đang lỗ hàng ngàn tỷ đồng như Đạm Cà Mau, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên...
Theo ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), nhiều đề án tái cơ cấu ở địa phương nặng hình thức, triển khai rất chậm. “Qua giám sát, tôi có cảm giác đã 5 năm rồi nhưng tái cơ cấu vẫn chưa về đến địa phương mà mới chỉ là chuyện của trung ương” - ĐB Phùng Văn Hùng trăn trở và tỏ ra băn khoăn về con số 10,5 triệu tỷ đồng cần có để thực hiện tái cơ cấu kinh tế.
Muốn phát triển bền vững phải “liệu cơm gắp mắm”
ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội Chính phủ đưa ra quá cao. Nhận định năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà vì là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp, nhưng ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn mà các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Vì thế, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải tính đến một cách cẩn trọng. Từ một góc độ nào đó, việc đặt ra những mục tiêu cao sẽ tạo động lực để cả hệ thống vươn xa hơn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, việc đặt ra những mục tiêu quá tầm với lại thể hiện tính chủ quan, duy ý chí, bỏ qua các quy luật khách quan và cũng không phải là vô hại. Trong 9 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%. Các động lực chính của tăng trưởng là đầu tư công và xuất khẩu đều không đạt kế hoạch... “Vậy dựa trên cơ sở nào để Chính phủ đưa ra mục tiêu GDP tăng 6,7% cho năm 2017?” - ĐB Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi và cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao. Chỉ khi ta đưa ra được những mục tiêu có tính khả thi, đồng thời có các kịch bản xử lý tình huống đi kèm mới giúp nền kinh tế phát triển bền vững và ít bị động trước các cú sốc. Mọi kế hoạch kinh tế đều phải được tính toán trên cơ sở “tiền tươi, thóc thật”. Muốn phát triển bền vững phải căn cơ, phải “liệu cơm gắp mắm”. Vì vậy, nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% - 6,5% đồng thời cố gắng bảo đảm cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Quản lý nhà nước: không phải đợi xảy ra mới làm
Tại phiên thảo luận, rất nhiều ý kiến ĐBQH đề cập đến yêu cầu nâng cao kỷ luật, hiệu lực quản lý nhà nước và chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi, tại sao Chính phủ quyết liệt thế mà xã hội vẫn còn nhiều phức tạp, phải chăng là do vận hành của bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vấn đề? Thực tế những vấn đề đã xảy ra, cái gì cũng có thể được giải thích là do buông lỏng quản lý. ĐB Nguyễn Sỹ Cương dẫn chứng: các vụ sập mỏ đá, chìm du thuyền, cháy nhiều cơ sở mà mới đây nhất là cháy quán karaoke ở Hà Nội làm 13 người chết, cứ khi xảy ra chết người thì chính quyền mới đến và tuyên bố sẽ rà soát, xử lý vi phạm mà lẽ phải làm từ lâu rồi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, một trong những lực cản lớn đối với sự phát triển đất nước hiện nay là năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính, công vụ chưa nghiêm. Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) đề nghị, đối với những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, cần mạnh tay đuổi việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, cổ phần hóa DNNN là chủ trương đúng, nhưng mặt trái thì rất đáng quan tâm mà sự thất thoát tài sản nhà nước là nỗi bức xúc lớn khi có sự chiếm dụng, trục lợi. “Một người bạn ở đơn vị vừa cổ phần xong tiết lộ: việc cổ phần hóa DNNN ở địa phương là do sở tài chính chủ trì, định giá cũng do sở chủ trì. Giá lẽ ra 100 tỷ đồng thì sở kêu chỉ khoảng 70 tỷ đồng. Vậy số vênh ra ai hưởng, chỉ có thanh tra mới biết” - ĐB Nguyễn Sỹ Cương dẫn chứng.
|
PHAN THẢO - BẢO VÂN