Những cơn mưa chiều liên tiếp mấy ngày qua đã gây ngập úng sâu trên nhiều tuyến đường TPHCM. Không chỉ ngập sâu ở những điểm ngập thường xuyên ở nội thành, nước ngập đã tràn ra ở cả ngoại ô, vùng ven thành phố. Những hình ảnh nước ngập, đẩy xe, sửa xe gắn máy đã dần trở nên quen thuộc mỗi khi mùa mưa tới. Rất may là những cơn mưa lớn liên tiếp vừa qua không trùng với những ngày triều cường trong tháng.
Biến đổi khí hậu với 2 cực nóng nhiều hơn về mùa khô và mưa, bão nhiều hơn, cường độ lớn hơn trong mùa mưa đã ngày càng rõ nét và tác động ngày càng xấu hơn, bất thường hơn. Những cơn mưa lớn trên 100mm sẽ xuất hiện nhiều hơn, nếu kết hợp đúng dịp triều cường sẽ tiếp tục tạo ra hiện tượng ngập úng sâu và kéo dài trên phạm vi ngày càng rộng hơn, phổ biến hơn. Chưa kể đến một nguy cơ tiềm ẩn cũng phải được dự tính, dự báo từ những con đập thủy lợi, thủy điện khi có sự cố xảy ra.
Để giảm bớt điểm ngập và hạn chế ngập sâu, một loạt giải pháp kỹ thuật quan trọng đã được thực hiện và đưa vào ứng phó ngập lụt với tư duy chủ đạo: ngăn nước ngập và thoát nước ngập qua việc nâng cao mặt đường, nâng cốt nền xây dựng, hệ thống cống thoát nước được làm mới có mở rộng kết hợp hệ thống đê bao sông Sài Gòn để ngăn nước tràn bờ gây ngập úng. Các công trình chống ngập ngày càng lớn cả về quy mô cũng như đầu tư từ ngân sách.
Trong những ngày vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường TP đã có những buổi hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp, Phòng Tài nguyên - Môi trường các quận, huyện về việc khoanh vùng hạn chế và cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố trước nguy cơ nước ngầm bị khai thác cạn kiệt ở nhiều khu vực và hiện tượng lún sụt đất đã được xác định đang trở thành một nguy cơ hiện hữu.
Một nghịch lý đang ngày càng thể hiện rõ là mưa ngập, triều cường đang cần một nguồn lực lớn cả về nhân lực, tài lực phòng chống để ngăn ngừa thảm họa do nước gây ra, mặt khác nguồn nước ngầm đang cạn kiệt và khả năng cung ứng cho sản xuất và đời sống của người dân ngày càng giảm cả về khối lượng và chất lượng. Từ đó một yêu cầu cấp bách đặt ra là cần đổi mới cách quản lý từ chống ngập lụt sang quản lý tài nguyên nước mặt và bổ sung cho nguồn tài nguyên nước ngầm, trên cơ sở đó hình thành một hệ thống giải pháp kỹ thuật áp dụng từ hộ gia đình, cụm dân cư và khu vực nội thành (13 quận), khu vực ngoại thành đang đô thị hóa và nông thôn.
- Đối với hộ gia đình riêng biệt: có hệ thống thu gom nước mưa để sử dụng, có hệ thống tĩnh dẫn nước mưa bổ cập cho nguồn nước ngầm.
- Đối với khu vực cụm dân cư cũ ổn định: ngoài hệ thống gom trữ của mỗi hộ cần nghiên cứu hệ thống thu gom nước mưa chống tràn bổ cập cho nguồn nước ngầm của khu vực.
- Đối với khu vực cụm dân cư mới: cần xây dựng hệ thống hồ điều tiết dự trữ gom nước mưa, các bể chứa nước ngầm để sử dụng phục vụ tưới công viên, cây xanh và phòng chống cháy. Với những nơi thường xuyên úng ngập, cần kết hợp xây dựng hệ thống lưu và bổ cập cho nguồn nước ngầm tại chỗ.
- Đối với cả thành phố, cần xây dựng quy hoạch và thiết lập hệ thống thu gom và xử lý nước mưa thành nước sinh hoạt để bổ sung cho nguồn nước cấp.
Như vậy từ quản lý chống ngập với tư duy coi úng nước là thảm họa gây thiệt hại cho sản xuất và giao thông sang một tư duy mới coi ngập lụt do nước mưa và triều cường được quản lý như bảo vệ tài nguyên nước mặt sẽ tạo ra một hệ thống chính sách- kỹ thuật mới có hiệu quả hơn.
NGUYỄN VĂN CHI
Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM