Quản lý tài nguyên nước: Chồng chéo, hiệu quả không cao

UBND TPHCM thống nhất quản lý nguồn nước trên địa bàn thành phố nhưng lại phân cấp cho nhiều cơ quan khác nhau. Do chồng chéo về quản lý nên chưa có chương trình giám sát toàn diện và đồng bộ, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả không cao.
Quản lý tài nguyên nước: Chồng chéo, hiệu quả không cao

UBND TPHCM thống nhất quản lý nguồn nước trên địa bàn thành phố nhưng lại phân cấp cho nhiều cơ quan khác nhau. Do chồng chéo về quản lý nên chưa có chương trình giám sát toàn diện và đồng bộ, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả không cao.

Vớt rác, lục bình góp phần cải thiện ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Vớt rác, lục bình góp phần cải thiện ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Từ nhiều...

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước liên quan đến tài nguyên nước nên tham mưu xây dựng các chính sách, quyết định quản lý tài nguyên nước nói chung. Từ chính sách đánh giá tác động môi trường, cấp phép thăm dò, khai thác nước và xả nước thải vào nguồn nước, cấp phép xả nước thải vào hệ thống thoát nước. Sở Giao thông Vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước liên quan đến cung cấp nước sinh hoạt và thoát nước thải chung của thành phố. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hệ thống công trình thủy lợi, cấp phép xả thải vào nguồn nước thuộc các công trình thủy lợi. Sở Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước giám sát chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nước. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập thực hiện quản lý các dự án các công trình điều tiết nước, chống ngập trong trường hợp mưa lũ lớn kết hợp triều cường.

Ngoài ra, việc giám sát chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm và việc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng tài nguyên nước đều được các đơn vị thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải cùng phối hợp thực hiện và có báo cáo riêng.

Do chồng chéo nhiều đơn vị có chức năng quản lý các nguồn nước ở các đoạn cắt khúc khác nhau nên chưa có chương trình giám sát toàn diện và đồng bộ, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả công tác không cao. Chưa có chương trình giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác nước dưới đất, việc theo dõi còn phụ thuộc vào khai báo của tổ chức, cá nhân theo từng kỳ. Thậm chí có đơn vị sử dụng thiết bị đo lưu lượng bị hỏng trong thời gian dài nên số liệu báo cáo không đúng với thực tế khai thác, không thực hiện việc đo mực nước tại giếng khoan. Đối với việc xả thải vào nguồn nước chưa có cơ chế và thiết bị giám sát lưu lượng và chất lượng xả thải vào nguồn của cơ sở sản xuất, cá nhân do không có mạng lưới các thiết bị quan trắc dữ liệu tự động tại vị trí xả thải. Công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ sau cấp giấy phép chưa hiệu quả, các đơn vị vi phạm chậm được phát hiện và chưa được xử lý nghiêm một phần do quy định xử lý còn nhẹ thiếu tính răn đe, yêu cầu khắc phục ô nhiễm không được thực hiện nghiêm túc nên các đối tượng vi phạm vẫn tái phạm nhiều lần.

Đến thống nhất

Việc hình thành một tổ chức thống nhất quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TPHCM là cần thiết và cấp bách để khắc phục các bất cập nêu trên. Tổ chức này cần quản lý tổng quan các vấn đề sau:

Đối với hệ thống cung cấp nước, để cung cấp nước sạch ổn định hiệu quả, an toàn và tiết kiệm (giảm thất thoát cho từng khu vực và toàn thành phố) cần hoàn thiện hệ thống xây dựng và quản lý vận hành mạng lưới cấp nước sinh hoạt theo từng khu vực đô thị, giảm thất thoát nước theo kế hoạch, quản lý chất lượng nước theo tiêu chuẩn ISO 2000, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp nước. Nên ứng dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến để nâng cao chất lượng nước, giảm giá thành xử lý.

Đối với hệ thống kiểm soát chất lượng ô nhiễm các nguồn tài nguyên nước, nên kết hợp các giải pháp bảo vệ môi trường với kiểm soát ô nhiễm như xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước theo các lưu vực sông, kênh, rạch gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm và Tham Lương - Bến Cát. Xây dựng và nâng cấp các nhà máy xử lý nước đặc biệt là các nhà máy, trạm khai thác nước mưa để đưa vào sử dụng. Hoàn thiện hệ thống văn bản các quy định về việc quản lý và kiểm soát khí thải và nước thải công nghiệp theo đúng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải bỏ chi phí khắc phục ô nhiễm. Xây dựng hệ thống thông tin giám sát môi trường và ngân hàng dữ liệu môi trường thành phố (đất, nước, không khí) theo hướng tích hợp thông tin.

Việc kiểm soát lún sụt nền đất và chất lượng tài nguyên nước ngầm cần có bộ quy định về khai thác sử dụng tài nguyên nước ngầm, trong đó cần xác định rõ khu vực cấm khai thác, hạn chế khai thác và được khai thác. Cần nghiên cứu việc bổ cập tài nguyên nước ngầm từ tài nguyên nước mưa. Thiết lập hệ thống quan trắc tự động mực nước ngầm và chất lượng nước ngầm. Bên cạnh hệ thống ống cấp nước sinh hoạt, cần xây dựng hệ thống đường ống cấp nước công nghiệp riêng để giảm thất thoát lãng phí nước và nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Công tác kiểm soát triều cường, chống ngập úng và xâm nhập mặn nên nghiên cứu, lắp đặt hệ thống cửa chống triều cường, xây dựng hệ thống đê bao dọc sông Sài Gòn kết hợp giao thông. Lắp đặt các máy bơm công suất lớn kết hợp xây dựng các công trình thu gom thoát nước quy mô lớn đặc biệt là hệ thống kênh rạch và hồ chứa nước điều tiết để giảm quy mô ngập úng, thu hồi tài nguyên nước mưa.

Thích ứng biến đổi khí hậu đòi hỏi việc quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TPHCM phải đổi mới từ tư duy đến mô hình quản lý. Chỉ nên có một cơ quan điều hành, chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM.

NGUYỄN VĂN CHIẾN
Văn phòng Thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM

Các nguồn tài nguyên nước của TPHCM

Tài nguyên nước của TPHCM gồm 3 nguồn như sau:

- Tài nguyên nước mặt: nằm ở hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, gồm nhánh chính là sông Đồng Nai và 4 phụ lưu lớn là sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai với các hồ chứa ở thượng nguồn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước cho các nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, nước sinh hoạt cho dân cư các tỉnh Đông Nam bộ và TPHCM. Diện tích của lưu vực của hệ thống sông này là 48.268km2 với tổng lượng nước mặt hàng năm nhận được là khoảng 38,6 tỷ m³ nước.

- Tài nguyên nước dưới đất (nước ngầm): TPHCM có 5 đơn vị (tầng) chứa nước sau:

1. Tầng chứa nước Halocen được phân bố trên cùng có độ cao địa hình thấp, từ nhỏ hơn 2 - 5m, đôi chỗ ở độ cao địa hình từ 7 - 8m nhưng có chiều dày nhỏ. Chiều dày thay đổi rất lớn từ 2 - 5m đến 5 - 42m và có xu hướng tăng dần từ Bắc xuống Nam. Mực nước tĩnh thay đổi từ 0,5 - 2,12m, lưu lượng tại các giếng ở tầng này thay đổi từ 0,07 - 0,15 l/s. Nhìn chung, tầng này khả năng chứa nước kém, chất lượng nước xấu (nhiễm phèn, mặn).

2. Tầng chứa nước Pleitocen. Tầng chứa nước này phân bố trên toàn thành phố, lộ ra ở trung tâm thành phố, phần còn lại bị các trầm tích Halocen phủ trực tiếp lên. Khả năng chứa nước của tầng này là tốt, phân bố các khu vực Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức và các quận nội thành. Riêng khu vực Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ chất lượng nước tầng này khá xấu.

3. Tầng chứa nước Phiocen trên. Tầng chứa nước này phân bổ trên toàn thành phố, không lộ ra trên mặt. Chiều dày tầng chứa nước thay đổi từ 20 - 138m và có xu hướng tăng dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Khả năng chứa nước tốt, chất lượng nước tốt.

4. Tầng chứa nước Phiocen dưới. Tầng chứa nước này phân bố phần lớn diện tích của thành phố (trừ khu vực quận 2 và Thủ Đức cũ). Chiều dày tầng chứa nước thay đổi từ 7,6 - 142m, chất lượng nước tốt.

5. Đới chứa nước khe nứt trong trầm tích Mezozoi: Đới chứa nước này phân bố trên toàn thành phố có chiều dày khoảng 2.000m, khả năng chứa nước kém không có ý nghĩa trong cung cấp nước cho thành phố.

Trong 5 tầng nước dưới đất trên chỉ có 3 đơn vị chứa nước có ý nghĩa trong cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của thành phố. Tổng trữ lượng khoảng 2.501.054m³/ngày và trữ lượng khai thác an toàn 831.515m³/ngày. Nguồn nước này đang được khai thác nhiều, đặc biệt là vùng ngoại thành để phục vụ cho sản xuất và công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Chất lượng nguồn nước đang có nguy cơ nhiễm bẩn nhất là các tầng chứa nước phân bổ gần mặt đất, các tầng chứa nước sâu cũng đã xuất hiện cục bộ hiện tượng tăng độ mặn và chất ô nhiễm, nhiều khu vực đang bị đe dọa cạn kiệt.

- Tài nguyên nước mưa: lượng mưa trung bình năm tại TPHCM khoảng 1.435mm (lớn nhất 2.718mm, nhỏ nhất 1.392mm, số ngày mưa trung bình năm là 159 ngày). Lượng mưa tập trung từ tháng 4 đến hết tháng 11 và chiếm 80% tổng lượng nước mưa hàng năm. Ngoài các vùng ven người dân có tập quán giữ nước mưa để dùng trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nguồn nước này chưa được quan tâm, nghiên cứu để đưa vào sử dụng. Nước sinh hoạt cho người dân của thành phố chủ yếu khai thác từ nguồn tài nguyên nước mặt của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai qua hệ thống cung cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) với tổng công suất khoảng 1.500.000 m³/ngày qua hệ thống Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Bình An, Nhà máy nước BOO Thủ Đức (sông Đồng Nai), Nhà máy nước Kênh Đông, Nhà máy nước Tân Hiệp (sông Sài Gòn). Huyện Cần Giờ có Nhà máy nước Cần Giờ công suất khoảng 5.000m³/ngày (sông Lòng Tàu). Nước sinh hoạt khai thác từ nguồn nước ngầm: với các giếng khoan trong các hộ dân, giếng không phục vụ cho các nhà máy công nghiệp ước khoảng 400.000m³/ngày, còn có Công ty TNHH MTV nước ngầm sông Sài Gòn có công suất khoảng 89.930m³/ngày với 120 trạm khai thác.

Nguồn: Văn phòng Thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM

Tin cùng chuyên mục