Quản lý thị trường vàng - Cần triệt để và hữu hiệu

Với mục tiêu tăng cường quản lý thị trường vàng, khắc phục tình trạng nhiễu loạn của giá vàng, vài tháng trở lại đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp đưa ra các giải pháp mới. Tuy nhiên có vẻ như các giải pháp này mới chỉ nhìn vào hiện tượng, vướng đâu gỡ đó, nên khó có thể giải quyết triệt để vấn đề.

Sau khi NHNN cho phép 5 ngân hàng thương mại được chuyển đổi một phần số vàng huy động, giữ hộ thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường trong nước, đồng thời cho nhóm này cùng với SJC hợp lực (G5+1) để tham gia bình ổn thị trường, đã có nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại bởi yếu tố lợi ích nhóm có thể làm “méo mó” thị trường. Mới đây, khi NHNN chính thức trình dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng lên Chính phủ, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo này. Bên cạnh đó, những thông tin từ dự thảo cũng gây ra những xáo trộn đáng kể trên thị trường những ngày qua. Theo dự thảo nghị định mới, doanh nghiệp chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong 3 năm liên tiếp gần nhất mới được cấp phép sản xuất vàng miếng.

Quy chiếu trên thực tế, chỉ có SJC có thể đáp ứng được những điều kiện này. Trong khi đó các thương hiệu vàng miếng khác vẫn chưa có giải pháp cụ thể để xử lý lượng vàng đã sản xuất. Điều này đã khiến người dân tỏ ra hoang mang với tài sản mà họ nắm giữ không mang thương hiệu SJC, nhiều người đã tranh thủ bán với hy vọng giảm thiểu rủi ro.

Mặt khác, do người dân đẩy mạnh việc bán vàng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm mạnh giá vàng do mình sản xuất so với giá vàng miếng của SJC để chặn đà bán tháo trên thị trường (có thời điểm giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng miếng các thương hiệu khác từ 700.0000 - 800.000 đồng/lượng), điển hình là trường hợp vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu và vàng miếng AAA của Tổng Công ty Vàng bạc Agribank. Tại hai doanh nghiệp này trong những ngày qua, tỷ lệ bán ra - mua vào chênh nhau rất nhiều (25%-75%). Nhiều doanh nghiệp cũng đã phản ánh không có đủ vốn để mua hết lượng vàng đã sản xuất ra do các ngân hàng thương mại đang siết chặt tín dụng.

Chênh lệch cung cầu lớn nên buộc các doanh nghiệp này phải hạ giá bán, thậm chí công bố ngừng mua để chặn cơn sốt bán vàng của người dân. Như vậy, rõ ràng mục tiêu bình ổn của NHNN đối với thị trường vàng miếng đã không thành công ngay từ khi nghị định chưa được chính thức ban hành. Trong một nỗ lực “cứu” thị trường, NHNN công bố thêm thông tin các thương hiệu vàng miếng đã được cấp phép sản xuất vẫn được phép lưu thông sau khi nghị định mới ban hành. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này cũng chưa mang lại hiệu quả. Tình trạng người dân lũ lượt kéo đến xếp hàng mua vàng SJC, và bản thân thương hiệu vàng miếng này cũng bị “loạn” giá ở nhiều điểm bán cho thấy vẫn cần có các giải pháp phù hợp để ổn định tâm lý của người dân.

Nhận định về tác động của các giải pháp ổn định thị trường vàng, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam bức xúc: “Tình hình hiện nay chưa thấy ai được hưởng lợi, chỉ thấy khó khăn cả doanh nghiệp và người dân”. Như vậy, cả phản ánh từ thực tế thị trường đến người trong cuộc đều cho thấy những giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà NHNN đang hướng tới chưa thực sự hữu hiệu. Một số chuyên gia cho rằng, vàng không phải là một trong những mặt hàng thiết yếu nên việc đưa ra khái niệm bình ổn thị trường vàng là không cần thiết. Hơn nữa, bình ổn bằng biện pháp hành chính mà không bình ổn tâm lý thì dễ sinh ra bất ổn. Nếu dùng biện pháp hành chính can thiệp quá nhiều sẽ càng làm cho thị trường vàng thêm méo mó. Bên cạnh đó, nếu các giải pháp đưa ra tạo ra lợi ích nhóm hay sự độc quyền thì sẽ phản tác dụng.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, NHNN muốn độc quyền vàng miếng thì phải là độc quyền nhà nước chứ không thể để SJC độc quyền được. Kết luận số 02 của Bộ Chính trị đã yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng, nhưng cần có lộ trình và biện pháp phù hợp cho từng thời kỳ, phải đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người nắm giữ vàng, quan tâm đúng mức đến nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để ổn định tâm lý, tránh gây biến động cho thị trường. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp phù hợp, triệt để nhằm khắc phục những bất cập của thị trường vàng thời gian qua.  

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục