Vỉa hè không những có vai trò quan trọng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn góp một phần rất đặc biệt trong cảnh quan kiến trúc của TPHCM. Bất chấp những nỗ lực lập lại trật tự trên vỉa hè, vỉa hè TPHCM vẫn bị lấn chiếm. Phải chăng đã đến lúc thay đổi cách quản lý vỉa hè?
Chưa bao giờ được quan tâm đúng mức
Hàng quán chiếm dụng vỉa hè đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: CAO THĂNG
Hơn 10 năm trước đây, vỉa hè trên địa bàn TPHCM được Sở Giao thông - Vận tải TPHCM thống nhất quản lý. Tuy nhiên, do phải đảm đương quá nhiều việc, được sự chấp thuận của UBND TPHCM, Sở Giao thông - Vận tải đã tiến hành phân cấp, bàn giao vỉa hè cho quận, huyện quản lý theo địa giới hành chính. Cùng với việc bàn giao, Sở Giao thông - Vận tải đã ban hành các quy định về kỹ thuật liên quan đến việc đầu tư, xây, sửa mới vỉa hè để các quận, huyện có căn cứ thực hiện khi có nhu cầu xây, sửa vỉa hè. Những tưởng mọi việc sẽ tốt hơn… Thế nhưng, dù do Sở Giao thông - Vận tải hay các quận, huyện quản lý, vỉa hè TPHCM gần như chưa bao giờ… không bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, kinh doanh.
Không phải TPHCM không có quyết tâm giữ cho vỉa hè thông thoáng. Trong suốt thời gian qua, TPHCM đã triển khai thực hiện rất nhiều chủ trương nhằm lập lại trật tự cho vỉa hè. “Đình đám” nhất có lẽ là việc triển khai thực hiện Nghị định 36/2001 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị. Theo quy định này: “Cấm mọi hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố để họp chợ, trưng bày, bán hàng hóa và treo biển quảng cáo, để vật liệu và các hành vi khác gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông” (khoản 3 điều 62). Cùng với việc thực hiện Nghị định 36/2001 của Chính phủ, TPHCM đã đưa tiêu chí giữ cho vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp vào chương trình thực hiện khu phố văn minh.
Chưa hết, để tạo điều kiện cho người có điều kiện kinh doanh, TPHCM đã nghiên cứu, dành một phần vỉa hè cho người dân có chỗ buôn bán và giữ xe. Phần này được tách biệt với phần vỉa hè dành cho người đi bộ bằng một lằn kẻ màu vàng rõ ràng. Gần đây nhất, thể hiện quyết tâm nhất của TPHCM là việc ban hành chủ trương xây dựng “đường mẫu”, trong đó có tiêu chí giữ cho vỉa hè thông thoáng. Lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện có “đường mẫu” ký cam kết thực hiện nghiêm túc chủ trương này.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm, nhiều đường vạch vàng chưa bao giờ được tôn trọng. Đáng lưu ý, lý do được nhiều quận, huyện đưa ra để giải thích cho tồn tại nêu trên là thiếu hoặc thậm chí không có người chuyên trách cho công tác này. Như vậy, sự quá tải của Sở Giao thông - Vận tải trước kia hay bây giờ là việc thiếu người thực thi nhiệm vụ ở các quận, huyện suy cho cùng chẳng khác nhau. Phải chăng, giữ cho vỉa hè thông thoáng, chưa bao giờ được quan tâm đúng mức?
Quy trách nhiệm rõ ràng
Hội thảo khoa học về quản lý quy hoạch kiến trúc TPHCM vừa được Bộ Xây dựng và UBND TPHCM tổ chức đầu tháng 11-2015 vừa qua đã có một tham luận rất đáng chú ý của Thạc sĩ, Kiến trúc sư Huỳnh Nguyễn Tú Nhi, Phó Giám đốc Phân viện Kiến trúc miền Nam về vỉa hè TPHCM. Theo bài tham luận này, vỉa hè là yếu tố tạo nên nét đặc trưng cho đô thị, không gian giao tiếp của cộng đồng, xóm giềng, an toàn và lành mạnh cho cư dân; đa chức năng theo chu kỳ thời gian và có vai trò năng động hóa kinh tế, xã hội và môi trường. Thạc sĩ, Kiến trúc sư Huỳnh Nguyễn Tú Nhi cũng dẫn lời một nhà nghiên cứu về đô thị nước ngoài: “Đường phố và vỉa hè là biểu trưng của thành phố. Nếu con đường trong thành phố đó đẹp, đó sẽ là một thành phố đẹp. Nếu chúng u tối, thành phố đó cũng trở nên u tối…”.
Chúng ta có thể không hoàn toàn đồng ý với quan điểm nêu trên nhưng thực tế vỉa hè bị lấn chiếm không những ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông mà còn làm cho bộ mặt TPHCM lộn xộn, nhếch nhác. Phải chăng, đã đến lúc thay đổi cách quản lý vỉa hè? Quy trách nhiệm rõ ràng hơn. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM. Theo ông Nguyễn Hoài Nam dù Sở Giao thông - Vận tải hay các quận, huyện thì việc quy trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện công tác quản lý vỉa hè là điều kiện cơ bản để quản lý vỉa hè tốt hơn. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đang diễn ra ngày một nhiều mà chưa có đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm, bị kỷ luật chứng tỏ trật tự trên vỉa hè…không ai có trách nhiệm hoặc không có cơ chế để buộc ai chịu trách nhiệm.
Cũng nhìn nhận ở góc độ quy hoạch và quản lý đô thị, một ý kiến khác cho rằng, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông nói chung trong đó có vỉa hè không nên “cắt khúc” giao về từng quận, huyện như hiện nay. Một sự thống nhất quản lý ở Sở Giao thông - Vận tải TPHCM sẽ giúp vỉa hè được đầu tư, quản lý bài bản hơn, ít nhất tránh được trường hợp có những quận có nguồn kinh phí dồi dào, xây sửa vỉa hè liên tục cho dù vỉa hè còn sử dụng được. Ngược lại có những địa phương, do không có kinh phí nên vỉa hè xuống cấp trầm trọng, cũng không thể sửa chữa, nâng cấp.
Hiện nay Sở Giao thông - Vận tải TPHCM đã có 4 khu quản lý giao thông đô thị quản lý 4 khu vực trên địa bàn TPHCM. Sở Giao thông - Vận tải có thể giao cho 4 khu này thống nhất quản lý địa bàn. Đội ngũ nhân viên thực thi công tác quản lý đường cũng như vỉa hè hiện nay có thể không cần nhiều người nếu ngành chức năng áp dụng hệ thống công nghệ thông tin. Khu quản lý giao thông đô thị có thể tiến hành lắp đặt camera ở các tuyến đường, trước mắt nếu chưa đủ kinh phí, lắp đặt trước ở các tuyến đường trọng điểm để vừa theo dõi tình hình giao thông để có ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra đồng thời phát hiện sớm các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Camera theo dõi này có thể truyền hình ảnh về cơ quan có chức năng xử phạt để họ thực thi công tác chế tài. Có thể tiến hành phạt ngay nếu cơ quan chức năng có điều kiện thực thi ngay, còn không, phạt nguội. Kinh phí để đầu tư hệ thống camera cùng các thiết bị cần thiết khác có thể là con số khổng lồ nhưng hiệu quả về lâu dài mà hệ thống này đem lại cho công tác quản lý đô thị ở TPHCM sẽ là rất lớn và sẽ vượt xa số tiền đầu tư nếu chúng được sử dụng, khai thác hết công năng.
NGUYỄN KHOA