Quản lý vốn nhà nước phải thay đổi

Việc phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh nên là mục tiêu hàng đầu khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý DNNN...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sáng nay 27-4, Khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Thời báo Tài chính tổ chức hội thảo mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong tiến trình tái cấu trúc DN Nhà nước (DNNN).

Mô hình cơ quan quản lý chuyên trách hay DN?

Đề án cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng. Hiện, đề án đang trong quá trình hoàn thiện, cân nhắc lựa chọn một số mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN để báo cáo Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 5 xem xét quyết định.

Theo đó, có 2 mô hình được đề xuất lựa chọn. Mô hình thứ nhất là mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý nhà nước với việc thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN với tên gọi là Ủy ban Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN. Với mô hình thứ hai, cơ quan chuyên trách là DN, với việc thành lập một DNNN làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của gần 40 quốc gia trên thế giới về mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, TS Nguyễn Viết Lợi, Viện Trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, cho rằng, trong các mô hình tập trung thì mô hình công ty là có nhiều ưu thế và đang được nhiều nước áp dụng thành công, một số nước cũng đang từng bước chuyển đổi sang mô hình này (Trung Quốc). Tuy nhiên, cần hiểu “tập trung” ở mức độ tương đối. Đa phần các nước áp dụng mô hình này đều có các DNNN đặc thù khác nhau thuộc quản lý ở các bộ, cơ quan, thực hiện quản lý và làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Ngay cả với trường hợp của Trung Quốc thì ở cấp trung ương vẫn có 5 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính và 94 doanh nghiệp do các cơ quan trung ương khác quản lý. Việc áp dụng linh hoạt các mô hình có thể được thực hiện tuy nhiên phải đảm bảo tính độc lập của các mô hình.

Bên cạnh đó, việc phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh nên là mục tiêu hàng đầu khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý DNNN nhất là đối với các DNNN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

Ngoài ra, hiệu quả quản lý của một mô hình phụ thuộc rất lớn vào quy mô của khu vực DNNN trong nền kinh tế, tính phức tạp của các loại hình, lĩnh vực hoạt động của DN. Theo đó việc thu hẹp về số lượng, tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế cũng như việc thực hiện triệt để quá trình phân loại, phân tách lĩnh vực kinh doanh (công ích và vì lợi nhuận) của các DNNN là vô cùng quan trọng.

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), thực tiễn quốc tế hiện nay cho thấy không có một mô hình duy nhất. Ví dụ như Trung Quốc áp dụng đồng thời các mô hình. Trong đó, Ủy ban Quản lý, giám sát tài sản nhà nước (SASAC) quản lý DNNN trung ương quy mô lớn (năm 2008 là 156 DN, năm 2016 là 102 DN); bộ, ngành quản lý DN công ích hoặc DN kinh doanh có quy mô nhỏ; còn các công ty đầu tư tài chính hoặc quỹ đầu tư nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại DN đa sở hữu.

Còn tại Singapore, Temasek quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh, chính quyền quản lý các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích. Cũng theo đại diện CIEM, thông lệ quốc tế tốt là mô hình nào cũng phải bảo đảm nguyên tắc: thống nhất (tập trung) quyền sở hữu để làm rõ trách nhiệm giải trình; chuyên nghiệp (để đảm bảo hiệu quả quản lý); chuyên trách (để tránh phân biệt đối xử, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng).

Về tổng thể, cả 2 mô hình nêu trên đều đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất là tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Song, xét trên từng mặt cụ thể, mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Với mô hình cơ quan thuộc Chính phủ thì có vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình DN, trong việc: thực hiện đầy đủ chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN, nhất là nhiệm vụ đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của DNNN và vốn đầu tư nhà nước. Tuy nhiên, do là cơ quan nhà nước nên sẽ khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng và cụ thể như mô hình DN; chế độ viên chức nhà nước không đủ linh hoạt, tự chủ và nhạy bén với thay đổi của thị trường.

Còn mô hình DN thì có ưu điểm về chi phí và thủ tục thành lập và về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, ưu điểm của mô hình DN rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước. Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu nên không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về DN này quản lý; do cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận nên khó thực hiện chức năng đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng, cần tới vai trò của DNNN và của kinh tế nhà nước…

Mô hình DN nhiều thuận lợi

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), có nhiều mô hình tổ chức đại diện chủ sở hữu tập trung khác nhau, mỗi mô hình có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, mô hình tổ chức đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo hình thức công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước cần được phân tích, đánh giá đúng những điểm mạnh vốn có của mô hình, đó là: đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt sẽ tách triệt để chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN và không phải thay đổi lớn các văn bản luật do Quốc hội ban hành.

Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nếu giữ nguyên cách quản lý vốn nhà nước hiện nay (chủ sở hữu là Thủ tướng, bộ, địa phương và SCIC) và 2 mô hình nêu trên thì phương án mô hình cơ quan chuyên trách là DN có tác động tiêu cực thấp hơn và tác động tích cực cao hơn so với các phương án còn lại. Tuy nhiên, ông Nhã cũng cho rằng, phương án chính sách vẫn chưa đủ cụ thể để phân tích được tác động thực sự.

Tin cùng chuyên mục