Quản lý yếu nên phạt người tiêu dùng?

Từ lâu, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại nón bảo hiểm (NBH) hàng nhái, không rõ nguồn gốc, bày bán công khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ cuối năm 2008, Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hành quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NBH cho người đi mô tô, xe máy.

Theo quy định này, những loại NBH không có dấu xác nhận phù hợp tiêu chuẩn (CS) và dấu chứng nhận hợp quy (CR) sẽ không được phép sản xuất, lưu hành. Việc phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm này tuồn ra thị trường là trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý về sản xuất kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng và quản lý thị trường.

Rõ ràng, với quy định này, nếu các cơ quan chức năng giám sát, thực thi nghiêm túc thì đã có thể giải quyết tận gốc tình trạng NBH kém chất lượng được bày bán tràn lan. Và đối tượng phải bị xử phạt không phải là người tiêu dùng, mà là các cơ sở sản xuất, các cửa hàng, các điểm bày bán công khai NBH dỏm, kém chất lượng, hàng nhái, hàng không có tem kiểm định… tiếp đó là các cơ quan chức năng vì tắc trách trong quản lý, giám sát thực thi pháp luật. Vì vậy, không thể bắt tội và xử phạt người tiêu dùng.


HUỲNH ĐẮC NHẤT (Quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục