Quân Mỹ vẫn ở Afghanistan sau năm 2014

Đảm bảo hòa bình?
Quân Mỹ vẫn ở Afghanistan sau năm 2014

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Afghanistan về việc duy trì một phần của lực lượng Mỹ sau thời điểm nước này và NATO rút quân khỏi Afghanistan năm 2014.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Afghanistan ký thỏa thuận đối tác chiến lược tại phủ tổng thống Kabul.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Afghanistan ký thỏa thuận đối tác chiến lược tại phủ tổng thống Kabul.

Đảm bảo hòa bình?

Thỏa thuận này được phía Mỹ mô tả là đảm bảo tương lai hòa bình cho Afghanistan. Theo AP, phát biểu tại buổi lễ ký kết thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Obama nói: “Không người Mỹ hay người Afghanistan nào mong muốn cuộc chiến này nhưng thực tế chúng ta đã kề vai nhau trong một thập kỷ qua… Chúng ta nhìn về một tương lai hòa bình. Hôm nay chúng ta đồng ý để trở thành những đối tác lâu dài”. Thỏa thuận cho phép các lực lượng Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014 để huấn luyện các lực lượng Afghanistan cũng như chống Al-Qaeda. Thỏa thuận không nói rõ lực lượng nào của Mỹ sẽ đảm nhiệm công tác này nhưng khẳng định Mỹ không lập căn cứ quân sự thường trực ở Afghanistan.

Ông Obama bất ngờ tới thăm Afghanistan sáng 2-5, giờ địa phương. Ông tới căn cứ không quân Bagram nói chuyện với các binh sĩ Mỹ trước khi dùng trực thăng tới phủ Tổng thống ở Kabul để ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Đây là chuyến thăm thứ ba của ông tới nước này kể từ khi nhậm chức năm 2009.

Chuyến đi còn nhằm để ông Obama phản bác cáo buộc của đảng Cộng hòa cho rằng chiến lược của Mỹ tại Afghanistan đang lộ nhiều điểm yếu. Theo Washington Post, chuyến thăm diễn ra trong dịp Mỹ kỷ niệm 1 năm ngày tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden cho thấy ông Obama muốn dùng hình ảnh này để vận động bầu cử. Ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney cho rằng Mỹ chưa thể tiêu diệt Taliban nhưng ông Obama cho rằng Mỹ đang đi đúng hướng vì mục đích cuối cùng, tiêu diệt mạng lưới al-Qaeda, điều này đòi hỏi phải mất thêm nhiều năm nữa.

Afghanistan vẫn bất an

Chỉ vài giờ sau khi ông Obama rời Afghanistan, đã xảy ra ít nhất ba vụ nổ lớn tại khu vực phía Đông thủ đô Kabul. Theo cảnh sát trưởng Kabul, ông Mohammad Ayoub Salangi, một trong hai vụ nổ là đánh bom liều chết bằng xe hơi, xảy ra ở khu vực đường Jalalabad, nơi đặt một số căn cứ quân sự nước ngoài. Đại sứ quán Mỹ đã khuyến cáo các nhân viên tự bảo vệ mình, tránh xa các cửa sổ. Một quan chức an ninh cho biết hai kẻ đánh bom liều chết đã thiệt mạng trong các vụ nổ, trong khi cảnh sát Afghanistan đã giao tranh với một số tay súng ẩn nấp trong tòa nhà gần căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực Pun Chaki.

Trước đó, quan hệ Mỹ-Afghanistan đã xấu đi nghiêm trọng khi nhiều binh sĩ Mỹ đốt kinh Koran tại một căn cứ quân sự. Ngoài ra, binh sĩ Mỹ Robert Bales đã bị buộc tội giết 17 thường dân Afghanistan tại tỉnh Kandahar. Để trả đũa vụ này, 18 binh sĩ của NATO đã bị giết. Thêm vụ việc binh sĩ Mỹ chụp ảnh bên các phần thi thể của người Afghanistan đã làm dấy lên sự phẫn nộ ở cả Mỹ và Afghanistan.

 
 

33.000 binh sĩ Mỹ triển khai thêm đến Afghanistan năm 2009 sẽ trở về nước vào cuối tháng 9, như vậy còn lại khoảng 65.000 quân sẽ rút sau đó. Tổng cộng hơn 100.000 quân Mỹ trong tổng số 130.000 quân của liên quân NATO sẽ rút khỏi Afghanistan đến cuối năm 2014. Các lực lượng Mỹ ở lại sau năm 2014 sẽ duy trì trong các căn cứ quân sự của Mỹ. Do lo ngại lực lượng an ninh của Afghanistan chưa đủ sức đảm đương sau khi NATO rút quân, Mỹ đã bật đèn xanh để Chính phủ Afghanistan đàm phán với Taliban nhưng có vẻ mọi việc chưa đi tới đâu do Taliban còn quá nhiều yêu sách gây bất lợi đối với Afghanistan.

 
 
 

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục