Quan tâm hơn các chính sách về tôn giáo, dân tộc

Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của đại diện các tôn giáo, dân tộc tại hội nghị Góp ý dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã được Ủy ban MTTQ TPHCM ghi nhận tại ngày làm việc thứ 2 (27-10).

(SGGP). – Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của đại diện các tôn giáo, dân tộc tại hội nghị Góp ý dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã được Ủy ban MTTQ TPHCM ghi nhận tại ngày làm việc thứ 2 (27-10).

Mục sư Nguyễn Thế Hiển kiến nghị các chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước cần phù hợp với đặc thù của các khu vực thiểu số. Theo mục sư Hiển, hiện nay có khá đông đồng bào các dân tộc đã gắn bó, định cư lâu dài tại các vùng cao nguyên, miền núi nhưng chưa được chính quyền cấp giấy tờ chủ quyền nhà, đất khiến cho bà con luôn thấp thỏm. Do đó, ông mong muốn chính sách, chủ trương của Đảng trong nhiệm kỳ tiếp theo cần cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong văn kiện để ổn định cả về mặt hành chính, cư trú, cũng như tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc hòa nhập.

Ông Haji Mach Dares Samael, Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM đề nghị cần quan tâm nhiều hơn tới đời sống của đồng bào theo đạo, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Dự thảo các văn kiện khi đánh giá những thành tựu và hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua cần có nhận định đúng về những tồn tại kể trên, đồng thời đề ra các quyết sách thiết thực, cụ thể để kéo giảm khoảng cách giàu - nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng ngày, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM đã tổ chức cho đông đảo cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ 24 quận, huyện và phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Chị em phụ nữ đề nghị nên bổ sung thêm một số vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống người dân như: tăng đầu tư cho y tế, giáo dục; có giải pháp hữu hiệu chống ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe và tình trạng úng ngập kéo dài nhiều năm; tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng nền văn hóa lành mạnh đậm đà bản sắc dân tộc… Đặc biệt, Đảng, Nhà nước nên quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các đoàn thể chính trị, trong đó chú trọng đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt đội ngũ cán bộ nữ.

Liên hiệp Các Hội KH-KT Việt Nam (VUSTA) vừa tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011 - 2020 chuẩn bị trình ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

Theo GS-TS Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), sự phát triển kinh tế hiện nay ở cấp vĩ mô vẫn chưa vững chắc, nợ công gia tăng, lạm phát cao, nhập siêu lớn, tỷ giá hối đoái không ổn định... Mức huy động ngân sách hiện nay quá lớn, chưa thực hiện chính sách “khoan sức dân”. Nếu kể cả các nguồn thu khác, mức huy động có thể lên đến 40% GDP, cao gấp đôi các nước khác trong khu vực. Ở khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bức xúc, nhất là tình trạng tái nghèo, an ninh lương thực không đảm bảo trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chính vì thế, GS Nguyễn Quang Thái cho rằng, từ đây đến 2020, Việt Nam cần tăng cường sự chủ động trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh trạnh của nền kinh tế, cần tập trung việc đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là bộ phận nông dân nghèo. Việc phát triển kinh tế - xã hội cần gắn liền với việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng bền vững hơn; đồng thời cần chuyển đối cơ cấu kinh tế theo thị trường và tiến bộ KH-CN.

H.HIỆP - M.YẾN - TR.LƯU

Tin cùng chuyên mục