Tại Hội nghị Mùa xuân do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng tổ chức tại Washington (Mỹ), WB và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa vấn đề sức khỏe tâm thần vào một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị.
Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị bàn về vấn đề tài chính và kinh tế toàn cầu, vấn đề sức khỏe tâm thần lại được đưa vào chương trình nghị sự. Theo WHO, các triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu khiến nền kinh tế thế giới mỗi năm tổn thất 1 ngàn tỷ USD. Từ năm 1990 đến 2013, số người bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu đã tăng gần 50%, từ 416 triệu lên đến 615 triệu người, chiếm gần 10% dân số thế giới.
Lần đầu tiên, nghiên cứu của WHO ước tính cả lợi ích về sức khỏe lẫn kinh tế của việc đầu tư cho hoạt động điều trị những chứng bệnh tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Theo WHO, mỗi 1 USD đầu tư vào việc tăng cường điều trị sẽ đem lại 4 USD lợi nhuận, vì bệnh nhân hồi phục có thể đi làm trở lại. Để điều trị các chứng bệnh tâm thần tại 36 quốc gia thu nhập thấp, trung bình và cao trong vòng 15 năm (2016 - 2030), sẽ cần khoảng 147 tỷ USD nhằm mở rộng các phương án điều trị, chủ yếu là tư vấn tâm lý và kê thuốc chống trầm cảm. Lập luận có căn cứ để thuyết phục các chính phủ đầu tư cho những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần là số tiền thu về sẽ cao hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Lực lượng tham gia lao động và năng suất lao động được tăng thêm 5%, giúp đem lại 399 tỷ USD. Sức khỏe được cải thiện đem lại thêm 310 tỷ USD nữa.
Các phương pháp điều trị là có sẵn, nhưng gần 2/3 số người mắc bệnh không bao giờ tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia y tế. Chính sự kỳ thị đã ngăn không cho việc chăm sóc và điều trị đến được với người mắc chứng rối loạn tâm thần. Chính phủ Hàn Quốc, năm 2015, đã sửa đổi luật để loại bỏ phân biệt đối xử đối với bệnh nhân tâm thần, tăng cường khuyến khích bảo hiểm cho bệnh nhân thần kinh. Luật mới hy vọng, các công ty bảo hiểm sẽ thay đổi các quy định không hợp lý của họ về phân biệt đối xử đối với những người mắc bệnh tâm thần nhẹ, chẳng hạn như chứng mất ngủ và trầm cảm.
Tuy nhiên, đầu tư hiện nay cho các dịch vụ sức khỏe tâm thần còn rất thấp so với mức cần thiết. Theo khảo sát của WHO, các chính phủ chỉ chi trung bình 3% ngân sách y tế cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Hàn Quốc và Trung Quốc đã chính thức đưa chứng nghiện smartphone vào danh sách “những rối loạn tâm thần”. Tại Nhật Bản, các bác sĩ, nhà tư vấn và chuyên gia về sức khỏe tâm thần xác nhận rằng, các vấn đề trầm cảm và lo âu đang xuất hiện nhiều so với những năm trước đây, mặc dù có 13.000 bác sĩ ở Nhật Bản đang hành nghề bác sĩ tâm lý. Một bác sĩ hàng đầu tại bệnh viện quốc tế nổi tiếng nhất Tokyo cho biết: “Chúng tôi cảm thấy điều này là không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm lý trong xã hội hiện nay. Trong 3 năm qua, tôi thấy số lượng bệnh nhân tới đây tăng mạnh vì các rối loạn lo âu và trầm cảm”.
HẠNH CHI