Quyết định kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam buộc trung vệ Quế Ngọc Hải của đội Sông Lam Nghệ An phải chi trả toàn bộ tiền viện phí điều trị chấn thương của cầu thủ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) đã khiến dư luận không khỏi bất bình.
Trên thực tế, nơi chi trả tiền điều trị cho cầu thủ bị chấn thương phải là CLB sở hữu, thông qua việc mua bảo hiểm vốn là một phần trong hợp đồng lao động với cầu thủ. Còn trong trường hợp muốn trung vệ Quế Ngọc Hải phải bồi thường thêm thiệt hại thì nơi có trách nhiệm thực hiện phải là SLNA, đội bóng đang thuê cầu thủ này thi đấu cho mình.
Nhìn rộng ra, đây là một bất cập lớn của bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Cầu thủ hay VĐV ra sân thi đấu đều không ở tư cách cá nhân. Thành tích của họ luôn được gắn liền với đơn vị sở hữu. Khi họ chuyển nhượng sang nơi khác, đơn vị sở hữu cũng nhận được chi phí bồi thường. Vậy thì không có lý do gì những tai nạn trong quá trình làm việc của họ lại nằm ngoài trách nhiệm của đơn vị quản lý.
Trên thực tế, các VĐV đều được mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật, nhưng hoàn toàn không có cơ chế bảo hiểm riêng trong lĩnh vực thể thao vốn có đặc thù riêng, mức độ nguy hiểm trong tai nạn nghề nghiệp rất cao. Một chấn thương nặng có thể không chỉ khiến họ phải bỏ nghề mà còn mang thương tật vĩnh viễn. Điều đáng nói ở đây là chấn thương trong thể thao không thể xem là “tai nạn” bởi nó được biết trước, các VĐV đều phải đối diện hàng ngày, trong những buổi tập chứ không phải đợi đến khi thi đấu. Những môn thể thao như vật, thể dục dụng cụ, xe đạp… chấn thương xuất hiện trong tập luyện rất phổ biến. Nhiều người chưa kịp tỏa sáng trên sàn đấu đã phải lặng lẽ bỏ nghề ngay trên sàn tập. Còn nhớ trường hợp VĐV Lê Thị Huệ ở môn vật, sau khi suýt trở thành người tàn phế do chấn thương trong một buổi tập hơn 8 năm trước, được báo chí phản ảnh, qua đó mới nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng để có tiền chữa trị trong thời gian gần đây.
Chúng ta cần xem xét từ góc độ những nhà quản lý khi điều kiện tập luyện và thi đấu của vận động viên còn quá kém. Có VĐV xe đạp nổi tiếng bị tử nạn trên đường tập do tai nạn giao thông. Có VĐV điền kinh từng vô địch châu Á đã phải bỏ nghề cũng vì phải tập chạy trên đường phố. Cũng có VĐV ở môn thể dục dụng cụ suýt tử vong vì thiết bị tập luyện quá cũ, không còn bảo đảm an toàn khi thực hiện các động tác có cường độ khó cao. Cầu thủ thi đấu trên sân luôn gặp các kiểu chấn thương “vô duyên” vì chất lượng mặt cỏ không tốt. Trọng tài điều hành trận đấu kém nên xảy ra nhiều tình huống phạm lỗi thô bạo, khiến người bị chấn thương phải xa sân cỏ thời gian dài.
Chính vì đặc thù của một nền thể thao bán chuyên nên cần có sự quan tâm nhiều hơn đến tình trạng sức khỏe của VĐV, nhất là chấn thương do nguyên nhân chủ quan của lĩnh vực này. Nếu không có chế độ bảo hiểm đặc thù thì lẽ ra mỗi CLB, đơn vị thể thao cần phải thành lập những quỹ hỗ trợ riêng chứ không thể đợi đến khi xảy ra chuyện mới phải vận động các nguồn xã hội. Càng không thể để xảy ra tình trạng: cầu thủ phải ra sân thi đấu theo hợp đồng lao động, nhưng khi bị chấn thương, 2 CLB chủ quản lại để 2 cầu thủ “tự xử lý” với nhau.
Không có VĐV nào muốn xảy ra chấn thương. Nếu đó là hành vi cố ý, đã có sự trừng phạt về mặt nghề nghiệp, giải quyết vấn đề chấn thương - trách nhiệm chính là ở các nhà quản lý.
VIỆT QUANG