Quản trị và công nghệ - chìa khoá thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững

Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của mình về giảm mức phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững. 
Hội thảo Đối thoại quốc gia “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ” diễn ra trong hai ngày 22 và 23-11-2022
Hội thảo Đối thoại quốc gia “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ” diễn ra trong hai ngày 22 và 23-11-2022

Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Do vậy, chuyển dịch năng lượng (CDNL) bền vững trở thành yêu cầu cấp thiết của hành trình phát triển kinh tế xanh. 

Vai trò của Quốc hội và quản trị nhà nước 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của CDNL bền vững, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN & MT) của Quốc hội đã tổ chức Chương trình Hội thảo Đối thoại quốc gia “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị tài chính và công nghệ”, với sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam.  

Sự kiện lớn đầu tiên này của Quốc hội về CDNL đã quy tụ hơn 200 đại diện từ các cơ quan của Quốc hội Việt Nam, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế… Qua các phiên thảo luận, Hội thảo đã thu được nhiều kết quả ấn tượng, cũng như các tham vấn về chính sách và công nghệ.

Tại sự kiện, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, TS. Guido Hildner, khẳng định: “Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, những định hướng và hỗ trợ của Quốc hội đối với lộ trình CDNL công bằng là vô cùng quan trọng”. 

Các chính sách phát triển kinh tế xanh là điều kiện thực hiện Net-zero

Việc đưa mức phát thải ròng về 0 (Net-zero) vào năm 2050 sẽ mang lại cho Việt Nam lợi ích lớn, song cũng tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trong xã hội. Điều này đòi hỏi các chính sách quản trị cũng phải được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của từng ngành trong bối cảnh mới.

Tại các phiên Đối thoại quốc gia về chuyển dịch năng lượng bền vững, đại diện BMWK, Vụ Năng lượng Indonesia đã chia sẻ kinh nghiệm CDNL các quốc gia này, đồng thời trao đổi với đại diện các Bộ - ban - ngành Việt Nam về các chính sách Giao thông xanh, Thuế phí xanh, Ngân hàng xanh, Tín dụng xanh, Chứng khoán xanh…, đặt ra các hỗ trợ với những đơn vị cam kết đóng góp vào hành trình Net-zero như bảo vệ tài nguyên, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, phát triển năng lượng sạch, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường…

Theo ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ tại Việt Nam, “Việt Nam đang đi tiên phong trong khu vực Đông Nam Á và đang tiếp tục tạo động lực mời gọi các quốc gia tham gia vào công cuộc chuyển hoá năng lượng này. Chúng ta nên đẩy mạnh áp dụng cơ chế kinh tế thị trường như đấu thầu phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đảm bảo khả năng lưu trữ năng lượng…”.

Tập trung vào công nghệ, giải pháp mới để chuyển đổi năng lượng

Bên cạnh chính sách và quản trị, tận dụng công nghệ tiên tiến và những giải pháp mới sẽ là xu hướng phát triển năng lượng xanh trong tương lai.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN-MT của Quốc hội khẳng định: Quá trình này cần nhiều nỗ lực của Việt Nam và sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Dự án Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An ninh Năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) của GIZ đã mang tới những đóng góp thực chất cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Các giải pháp công nghệ như Tích hợp hệ thống lưu trữ vào thị trường điện, Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển năng lượng sinh học bền vững là những tài nguyên mà phía Đức đã, đang hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, thực hiện nhằm thu hút các nhà đầu tư, huy động nguồn vốn và thiết lập những cơ chế phù hợp, tạo thuận lợi cho quá trình CDNL. CASE là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của Đức và Việt Nam trong CDNL, hướng tới Net-zero và nền kinh tế xanh. 

Thủy điện tích năng (PSH) – một trong nhiều công nghệ tích trữ năng lượng - được CASE giới thiệu 
Với sự hợp lực từ các bên, việc nhanh chóng điều chỉnh chính sách, ưu tiên các giải pháp công nghệ xanh trong từng hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, Việt Nam đã sẵn sàng chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng. 

Tin cùng chuyên mục