(SGGPO).- Ngày 16-10, các điểm sạt lở đường sắt Bắc Nam đi qua Quảng Bình đoạn xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) vẫn chưa khắc phục được. Ông Trần Văn Bằng, giám đốc công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình cho PV Báo SGGP biết.
Theo ông Bằng, chưa thể chắc chắn lúc nào tuyến đường sắt qua địa phương này được khôi phục, thông tuyến, phụ thuộc rất nhiều và việc tiếp tế vật liệu đá, xi măng, thiết bị được đưa vào, vì là tuyến đường độc đạo, các địa điểm ray bị hỏng nặng ở vùng hẻo lánh, nước lũ chia cắt, nhân công di chuyển nhiều chặng với nhiều phương tiện nên rất khó hoàn thành một sớm một chiều. Nặng nhất là khu gian Văn Hóa-Lệ Sơn với hơn 400m bị xói lở, đường tiếp tế khó khăn, một bên nước lũ chảy xiết, ta luy âm sạt lở, một bên núi đá dựng đứng, không có bến bãi tập kết vật liệu, xe gòng phải đi chậm để tránh bị gãy ray khiến việc khắc phục đang khó khăn. Ông Bằng cho biết, an toàn bay đang bị uy hiếp, 170km đường sắt từ La Khê đến Mỹ Trạch đang nằm trong tình trạng phong tỏa.
Đường sắt chưa thể thông tuyến.
Trong khi đó, Ban chỉ huy phòng chồng lụt bão và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết số người chết do lũ đã tăng đột biến lên 14 người, 2 người mất tích, 13 người bị thương. Liên quan đến các tàu cá bị trôi dạt tại cửa Ròon, bộ đội biên phòng cho biết có khoảng 2 tàu đang bị mắc cạn ở cửa Ròon; 11 tàu bị chìm, 3 tàu mất tích chưa tìm thấy, rất may trên các tàu không có người. Ngoài ra có 2 tàu hàng bị chìm, trên hai tàu này đã cứu sống 5 người, 1 thuyền viên đã chết, có 5 thuyền viên khác mất tích.
Diễn biến mới nhất, vào lúc 3h sáng ngày 16-10, tuyến đê ngăn mặn ở bờ nam sông Gianh đoạn qua xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã bị bục vỡ, hàng ngàn người dân được báo động và ứng cứu hàn đê. Ông Phan Văn Goàn, Bí thư huyện ủy Bố Trạch cho biết sau khi đê vỡ, địa phương đã huy động lực lượng 4 tại chỗ hàn nối đê thành công, tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Chiều 16-10, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh cơ bản đã thông tuyến, các đường tỉnh lộ, liên thôn, liên xã tại Quảng Bình vẫn còn ngập nặng. Vẫn còn khoảng 22.000 hộ dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa bị lũ cô lập. Trước diễn biến hức tạp này, Quân khu 4 đã cử 500 cán bộ vào vùng lũ Ba Đồn, Tuyên Hóa, Quảng Trạch làm nhiệm vụ giúp dân với phương châm lũ rút đến đâu dọn dẹp đến nấy.
Vẫn còn nhiều hộ dân ngập trong nước lũ Quảng Bình.
Ông Nguyễn Tân Thành – Phó hiệu trưởng trường THCS Cảnh Hóa, cho biết: “Từ sáng hôm nay chúng tôi đã kêu gọi các giảng viên, học sinh cùng cán bộ trong trường để tiến hành dọn hết số bùn tại các lớp học để kịp thời cho học sinh đến lớp. Cùng với đó, lực lượng bộ đội của huyện cũng được điều động đến để giúp trường triển khai công tác khắc phục bão lũ. Sau lũ lụt trường có 150 m hàng rào bị hư hại, nhiều cơ sở vật chất trong trường cũng bị cuốn trôi. Sau khi nước lũ rút xuống, các thầy cô giáo được điều động để đi mượn thuyền cử người dân để tìm lại bàn ghế, cơ sở bị trôi. Hiện tại về cơ bản đã đảm bảo cho việc giạy và học của các em trong vài ngày tới”.
Bà Cao Thị Minh – Hiệu trưởng trường Mầm non Huyền Thủy, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa – Quảng Bình) cho biết thêm: “Cũng may, lực lượng dân quân ở xã Nam Hóa họ về kịp thời để tiến hành khắc phục hậu quả do lũ lụt. Chứ lũ lụt đẩy bùn và chất thải vào trường và các phòng học, có phòng bùn chất lên gần 2m. Do không có tầng 2 để cất đồ dùng phục vụ giảng dạy, nên hầu hết các thiết bị, đồ dùng phục vụ việc giạy và học trong trường đều bị hư hỏng hoàn toàn. Hiện tại, trường có 7 lớp, 174 học sinh”.
Thầy cô giáo viên trường tiểu học Huyền Thủy dọn rửa bàn ghế sau lũ.
Tại xã Thạch Hóa, nới được xem là rốn lũ, tại các tuyến đường đều ngập trong bùn lầy, trước mắt chính quyền đang chỉ đạo cho Hội nông dân triển khai nạo vét bùn, rác thải ở các kênh mương, các tuyến đường phục vụ việc đi lại. Mọi công tác khắc phục sau bão lũ vẫn đang được chính quyền và người dân tiến hành triển khai, để đi vào ổn định đời sống sau ngập lụt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát vào vùng lũ Quảng Bình, tại đây ông chỉ đạo không để dân bị đói, bị rét, yêu cầu Quảng Bình tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ để tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời người bị thương, gia đình những người bị thiệt mạng. Sử dụng mọi biện pháp cứu trợ các gia đình bị khó khăn do mưa lũ, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho các hộ gia đình bị hư hỏng nặng.
Người dân Tuyên Hóa dọn bùn sau lũ
Minh Phong-Ngọc Oai
Các tin, bài viết khác
- Trượt chân rơi xuống nước sâu, 2 em nhỏ bị chết đuối
- Đà Nẵng được vinh danh “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”
- Bì bõm nhổ sắn chạy lũ
- May không có thủy điện trong cơn mưa lũ lịch sử
- Voi rừng liên tục xuất hiện phá hoa màu
- Quảng Bình: Thiệt hại quá lớn, đề nghị Trung ương cứu trợ khẩn cấp
- Thăm dò khảo cổ dấu vết lăng mộ vua Quang Trung tại Huế: Phát hiện nền đá dạng tường thành
- Lũ cuốn gây sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam
- Quảng Bình: 12 người chết và mất tích, nhiều tàu thuyền bị cuốn trôi
- Mưa lũ tại Thừa Thiên – Huế khiến 1 người mất tích, 2 người bị thương