(SGGPO).- Ngày 18-3, trước diễn biến bất thường của thời tiết, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp với các sở ngành, địa phương liên quan bàn các biện pháp ứng phó khẩn cấp với hạn hán.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, lượng mưa phổ biến từ tháng 3 đến tháng 5 thấp hơn trung bình nhiều năm, dòng chảy ở mức thấp có khả năng kéo dài trong vài tháng tới gây nguy cơ thiếu nước, khô hạn; mặn có khả năng thâm nhập sâu vào hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn, Bàn Thạch. Đa số các hồ chứa có mực nước thấp hơn cùng kỳ, dự báo sẽ có hồ thiếu nước trong vụ hè thu nếu không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7, tháng 8. Hầu hết các đập dâng ở miền núi có nguy cơ không đảm bảo nước tưới vụ hè thu.
Tổng diện tích gieo trồng năm nay tại Quảng Nam gần 160.000ha, trong đó, diện tích gieo trồng chủ động nước tưới gần 80.000ha. Hiện nay, ngoài diện tích lúa nước trời, có khoảng 430ha đất sản xuất của các huyện trung du, miền núi có khả năng xảy ra khô hạn vào cuối vụ đông xuân này. Đối với vụ hè thu tới, dự báo diện tích xảy ra khô hạn gần 11.000ha.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương và Công ty Thủy lợi Quảng Nam triển khai các biện pháp công trình, phi công trình để chống hạn và nhiễm mặn như: nạo vét kênh mương; gia cố, sửa chữa các đập dâng, đập thời vụ, đập ngăn mặn, giữ ngọt; tăng cường công tác quản lý, điều hành, phân phối nước, vận động nông dân tưới nước tiết kiệm, hợp lý; đồng thời phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng quy chế xả nước, phát điện hợp lý, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị các nhà máy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, A Vương xả nước phát điện và phục vụ sản xuất. Các hồ nước phải thường xuyên điều tiết cho các cánh đồng, vì vậy lượng nước của các hồ chứa nhanh xuống thấp, đặc biệt ở các hồ chứa khu vực miền núi, trung du trong tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở ngành, địa phương liên quan cần phải chủ động xử lý về nạo vét hồ chứa, kênh mương, xây đập nước để đón lũ tiểu mãn, nhằm tích trữ nước; tiếp tục tuyên truyền ý thức tiết kiệm nước và sử dụng nước có hiệu quả. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép tận thu khai thác cát trên các dòng sông để lấy chi phí nạo vét kênh mương.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng đề nghị Sở NN&PTNT và các địa phương chủ động sớm hoàn thành các dự án, phương án, đặc biệt tránh tình trạng phụ thuộc các trạm bơm tưới tiêu trên các con sông.
Trên tinh thần chủ động ứng phó với tình hình khô hạn vẫn còn tiếp tục kéo dài, ông Nguyễn Ngọc Quang cũng cho rằng cần tập trung các nguồn lực trong chủ động xây dựng kịch bản ở mức tồi tệ nhất của diễn biến hạn hán để khuyến cáo với nhân dân, đồng thời lên phương án để chuẩn bị nguồn kinh phí cho phòng chống hạn.
NGHIÊM AN – NGUYÊN KHÔI