Chiều 10-10, cả xã Đại Quang và Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) nhốn nháo trước thông tin một nhóm 7 người của hai xã này đi tìm trầm bị chết trong rừng sâu do ăn nấm độc. Những gia đình ở hai xã này có người thân tham gia tìm trầm suốt đêm không ngủ, nháo nhác điện thoại tìm người thân…
Sáng sớm 11-10, chúng tôi tìm về xã Đại Quang nơi rộ tin đồn người đi tìm trầm bị chết do ăn nấm độc trong rừng sâu. Con đường bê tông ngoằn ngoèo chạy qua cánh đồng thơ mộng, yên bình, nhưng cứ chạy một đoạn lại có một nhóm người tập trung bàn tán.
Từ chiều hôm trước, một người tên Tâm (trú thôn Song Bình, xã Đại Quang) đang đi tìm trầm trên rừng sâu thuộc cánh rừng Bình Định – Kon Tum điện thoại về cho chị Nguyễn Thị Lữ (trú thôn Phước Lộc, xã Đại Quang) - người có chồng là anh Đậu Văn Hùng đang đi tìm trầm - báo là anh nghe tin 7 người huyện Đại Lộc, trong đó có 5 người ở xã Đại Quang, 2 người ở xã Đại Nghĩa được một nhóm tìm trầm khác thấy xác nằm vắt vẻo trên võng.
Theo lời anh Tâm, anh chỉ nghe tin từ những người tìm trầm trên rừng sâu nói lại, nhưng không biết chính xác khu rừng nào cũng như danh tính cụ thể của những người chết. Theo kinh nghiệm của những người làm trầm, rất có thể những người này chết do ăn nấm rừng.
Một thông báo mơ hồ, nhưng với xã Đại Quang – nơi có khoảng 500 người đàn ông đang ngày đêm “ngậm ngải tìm trầm” thì thông tin ấy làm nhốn nháo khắp các làng xóm. Bất cứ gia đình nào có người thân đi tìm trầm đều nháo nhào điện thoại kiếm tìm, hỏi thông tin.
Ông Trương Văn Dũng, Trưởng công an xã Đại Quang, cho biết: Sau khi một nhóm người tìm trầm ở xã Đại Nghĩa trúng kỳ nam hơn 30 tỷ đồng, hàng trăm thanh niên của xã lên đường đi tìm trầm ở các cánh rừng: Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum…
Từ chiều 10-10, ông Dũng nhận được thông tin có 5 người ở xã Đại Quang và 2 người ở xã Đại Nghĩa đang đi tìm trầm bị chết do ăn nấm độc, ngay lập tức ông điện thoại cho công an viên tại các thôn rà soát. Theo đó, đến nay có khoảng 500 người ở xã Đại Quang đang đi tìm trầm. Chính vì thế, để xác thực thông tin là rất khó.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, thường những người đi tìm trầm của xã đều mang theo giấy tờ tùy thân, nếu có xảy ra sự cố gì chính quyền sở tại (nơi xảy ra tai nạn) sẽ điện báo ngay. Nhưng đến trưa 11-10, UBND xã cũng như Công an xã Đại Quang chưa nhận được thông tin nào nên khả năng thông tin trên là tin đồn hoặc của địa phương khác.
Từ ngày hôm qua, người dân đổ dồn vào hai nhóm tìm trầm tại thôn Phước Lộc và thôn Hòa Thạch vì cả hai thôn này đều có nhóm tìm trầm 7 người – trùng với thông tin – khiến người thân của những người tìm trầm ở hai thôn này hoang mang tột độ. Đến trưa 11-10, nhóm tìm trầm tại thôn Phước Lộc đã liên lạc được với gia đình. Hiện chỉ còn nhóm 7 người tìm trầm tại thôn Hòa Thạch đã đi tìm trầm trên 20 ngày nhưng vẫn chưa liên lạc được.
NGUYÊN KHÔI