Quảng Nam: Hơn 700 ngôi nhà bị ngập, thiệt hại trên 3.000 ha hoa màu

Quảng Nam: Hơn 700 ngôi nhà bị ngập, thiệt hại trên 3.000 ha hoa màu

>> Thừa Thiên – Huế: Bất lực giải cứu hoa màu trong mưa lũ

(SGGPO).- Sáng ngày 16-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có thống kê sơ bộ tình hình thiệt hại trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ kéo dài.

Qua kiểm tra thực tế thiệt hại tại các địa phương trong mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 716 nhà bị ngập (TP. Hội An: 694 nhà, huyện Nông Sơn: 22 nhà) và 10 hộ di dời tại huyện Quế Sơn.

Đến sáng 16-12, nhà dân vẫn bị ngập sâu.

Về nông nghiệp, có khoảng 3.397 ha hoa màu bị ngập (huyện Đại Lộc: 1.294 ha, huyện Điện Bàn: 233 ha, huyện Quế Sơn: 1000 ha và TP. Hội An: 870 ha).

Khoảng 3.397 ha hoa màu bị ngập

Về giao thông, tình hình thiệt hại trên quốc lộ, sạt lở taluy dương, tổng khối lượng sạt lở khoảng 25.000m³, trong đó tuyến QL.40B đoạn từ Km100 - Km141+080, sạt lở nhiều vị trí với khối lượng lớn.

Sạt lở taluy âm tại 5 vị trí, tổng chiều dài khoảng 80m. Tường chắn taluy dương bị đẩy trồi hơn 60m, rãnh dọc và mặt đường bị đẩy trồi hơn 30m.

Tại huyện Bắc Trà My, tuyến QL40B bị ngập tại các ngầm tràn gây tắc giao thông như ngầm Sông Trường, ngầm Nước Oa. Ngoài các tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Huyện Nông Sơn bị ngập nặng nề.

Tình hình tàu thuyền trên biển, theo thông tin của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay có 5 tàu xa bờ/113 lao động đang hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa và chưa thể vào bờ kịp. Trong đó có 2 tàu hành nghề câu mực, 3 tàu hành nghề lưới vây.

Đối với các hồ chứa thủy điện, Văn phòng Thường trực đã tham mưu BCH PCTT & TKCN tỉnh đề nghị các chủ đập tổ chức vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện. Hiện tại, đến cuối ngày hôm qua, ngày 15-12, có 17/17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đã đầy, đối với 56 hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý cũng đã tích đầy nước. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã thực hiện vận hành điều tiết hồ chứa nước Phú Ninh với lưu lượng điều tiết trung bình 269,37m³/s.

Các hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 vận hành điều tiết đảm bảo đưa nước về cao trình mực nước 174m, hồ chứa Thủy điện A Vương vận hành điều tiết giữ mực hồ chứa đảm bảo không vượt quá 378m, hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 vận hành đảm bảo đưa nước về cao trình 256,5m, hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 vận hành điều tiết giữ mực nước hồ đảm bảo không vượt quá 220,7m.

BCH PCTT & TKCN tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các xã có đường cao tốc đi qua (đặc biệt tại các vị trí có khả năng có dòng nước chảy xiết tại các cống qua đường, cống chui dân sinh), sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra.

Cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất. Nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập sâu để chuyên chở người, hàng hóa. Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết.

Căn cứ tình hình mưa lũ thực tế trên địa bàn chủ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, đường cao tốc, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên,…


NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục