* Quảng Ngãi: nhiều tuyến đường ngập trong nước
(SGGPO).- Sáng ngày 15-12, mưa lớn tiếp tục kéo dài từ đêm 14-12 đến ngày 15-12, các hồ thủy điện tiếp tục có thông báo xả lũ, nhiều địa phương vùng hạ lưu tỉnh Quảng Nam bị chia cắt, dân lội nước, chèo ghe đi lại.
Đêm qua, ngày 14-12, thủy điện A Vương tiếp tục xả tràn với lưu lượng 500-1.000m³/s, thủy điện sông Bung 4A xả tràn với lưu lượng từ 200-400m³/s.
Theo đó, ghi nhận vào sáng ngày 15-12, tại khu vực thôn Đàn Hà (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) nhiều vùng ngập sâu và các nhà dân bị cô lập. Ông Đặng Văn Nhơn, đội 5, thôn Đàn Hạ, cho biết: “Các ngôi nhà ở vùng ven cánh đồng đều bị ngập, từ đêm qua nhiều hộ dân có vịt, heo phải đưa đến những vùng cao trú ẩn”.
Khu vực nối liền xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ dựng rào chắn nguy hiểm nước ngập sâu. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Hiện tại tuyến đường đi xã Tam Thăng (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) bị cô lập, nước ngập sâu hơn 0,5m, chính quyền địa phương đã dựng rào chắn cảnh báo xe cộ và người dân không di chuyển ra vào khu vực nước sâu nguy hiểm .
Tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam, trên các thôn nằm dưới quốc lộ 1A đoạn qua các xã Bình An, Bình Trung, nhiều nơi bị cô lập, người dân phải di chuyển bằng ghe thuyền.
Người dân xã Bình An, huyện Thăng Bình bị cô lập, phải di chuyển bằng ghe thuyền. Ảnh: NGUYẾN TRANG
Đứng tại quốc lộ, ông Trần Văn Cảnh, thôn An Thành, xã Bình An, nói: “Cả tổ có gần 100 hộ dân sinh sống và qua lại bằng duy nhất con đường này, chúng tôi hiện giờ phải lội nước, cây cầu cống bản cũng bị ngập, ra vào rất khó khăn”.
Tại vùng núi huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn, đến 7 giờ ngày 15-12, tổng lượng mưa đo được tại Trạm thủy văn Nông Sơn là 490,6mm. Lúc 7 giờ ngày 15-12, mực nước sông Thu Bồn tại Nông Sơn là 12,75m và đang xuống chậm, trên địa bàn huyện vẫn còn mưa vừa.
Tình hình diễn biến không khí lạnh tăng cường kết hợp hoạt động đới gió lạnh trên cao, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường huyện Nông Sơn bị cô lập, thiệt hại nặng nề. Tất cả các tuyến đường từ huyện đi các xã bị chia cắt (Cầu Khe Rinh, Cầu Khe Phốc, cầu Khe Sé, cầu Nà Manh còn ngập từ 1-1,5 m. Đoạn đường ĐT 611 từ Quế Trung đi Quế Lộc còn ngập trên 1m giao thông bị chia cắt. Hiện nay nước đang xuống chậm.
Trong đó, tuyến đường ĐT 611 đoạn qua đèo Le sạt lở 15m bê tông; đoạn cầu treo đi thôn Thạch Bích sạt lở khoảng 50m với khối lượng đất khoảng 4.000m³; sạt lở 80m kênh bê tông thuộc kênh chính đập Nà Bò. Bồi lấp nhiều tuyến kênh với khối lượng trên 200m³ đất.
Nông Sơn nhiều nơi bị chia cắt. Ảnh: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn cung cấp
Về nông nghiệp, diện tích lúa nước trời bị ngập 31ha. Diện tích hoa màu bị ngập 5ha. Riêng tại xã Sơn Viên có 2 con bò bị chết do nước cuốn trôi. Đến sáng nay, đã có 22 ngôi nhà trên địa bàn huyện Nông Sơn bị ngập nặng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn chỉ đạo cho UBND các xã, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức trực 24/24 giờ, cử lực lượng chốt chặn các tuyến đường còn bị ngập sâu, các khu vực nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại. Huy động tất cả lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động phòng tránh. Tổ chức lực lượng cảnh giới và ngăn chặn mọi người dân đi lại những nơi bị ngập sâu, nước chảy xiết; nghiêm cấm các ghe thuyền đi lại tại các bến đò, hồ chứa vớt củi và đánh bắt cá trên sông, suối, các điểm ngập lụt. Kiểm tra rà soát các khu dân cư đang sinh sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối và vùng có nguy cơ lũ quét, các khu vực có khả năng sạt lở đất, đặc biệt là những hộ dân có nhà tạm bợ, bán kiên cố không đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện hiện đang kiểm tra nắm tình hình và chỉ đạo các địa phương tổ chức khắc phục ban đầu.
Tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, ứng phó và tổ chức sơ tán nhân dân nhất là các khu dân cư như Đông Bình, Hà Mỹ (xã Duy Vinh), Đội 21 (xã Duy Phước), thôn Vạn Buồng (xã Duy Trinh), thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu), thôn Tĩnh Yên (xã Duy Thu)...
Hiện tại, tuyến đường nối thôn Đông Bình và xã Duy Vinh ( huyện Duy Xuyên) đã bị cô lập, do mưa lũ kéo dài khiến tuyến đường này sạt lở hơn 40m, gây xói lở 19 hộ dân ở các khu vực ven sông.
Đồng thời, các ngành chức năng như cơ quan y tế, đài truyền thanh... tăng cường đảm bảo dự trữ cơ số thuốc, chủ động hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Các địa phương ở ven biển sắp xếp cho các thuyền neo đậu an toàn, tránh va đập, tuyệt đối không để người ở lại trên thuyền khi nước lũ dâng. Phòng Giáo dục - Đào tạo, các địa phương, trường học chủ động cho học sinh nghỉ học khi lũ dâng. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ.
Ra đồng bắt ốc, một người chết đuối Ngày 15-12, ông Trần Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ chết đuối khi đi bắt ốc ngoài đồng. Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 14-12, ông Châu Thịnh (sinh 1968), trú thôn Tịch Yên, xã Bình Nam, huyên Thăng Bình, ra cánh đồng gần nhà để bắt ốc. Đến chiều tối, người nhà không thấy ông Thịnh về, lập tức ra đồng tìm kiếm, đồng thời gọi báo chính quyền xã Bình Nam hỗ trợ. Lực lượng chức năng xã đã thuê ghe và tổ chức tìm kiếm. Đến 7 giờ sáng ngày 15-12, lực lượng chức năng đã tìm vớt được thi thể ông Thịnh. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình. Trong những ngày mưa lũ kéo dài, các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông báo yêu cầu người dân không vớt củi gỗ trôi sông, không đánh bắt trên sông, hay các khu vực cánh đồng có nguy cơ lũ cuốn. Thế nhưng, rất nhiều người dân tranh thủ đẩy ghe đi bắt cá, bắt ốc trến cánh đồng, ao hồ, sông suối. |
* Quảng Ngãi: nhiều tuyến đường ngập trong nước
Những ngày qua, địa bàn Quảng Ngãi có mưa lớn, đặc biệt rạng sáng 15-12, mưa lớn liên tiếp đổ xuống khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố ngập trong nước, khiến giao thông gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến 10 giờ cùng ngày, mưa lớn vẫn còn tiếp diễn, các tuyến đường vẫn ngập trong nước, một số nơi ngập đến nửa bánh xe máy. Các tuyến đường Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, giao lộ Hùng Vương - Quang Trung - Lê Trung Đình... là những điểm bị ngập nặng nhất. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn do nước ngập.
Việc đi lại của người dân gặp khó khăn do nước ngập sâu
Nước ngập ở giao lộ Hùng Vương - Quang Trung - Lê Trung Đình gây khó khăn cho người đi đường
Trước tình hình này, Công ty cổ phần môi trường đô thị Quảng Ngãi phải cắt cử lực lượng mở các nắp xả giúp thoát nước nhanh hơn, đồng thời cho người chốt chặn tại các cống xả để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Nhiều người phải dùng các vật dụng để ngăn nước tràn vào nhà
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, đêm 14 đến sáng 15-12, lũ trên các sông trong tỉnh lên cao. Sông Trà Bồng có mực nước là 2,31m; Sông Trà Khúc là 4,96m; Sông Vệ là 4,38m; Sông Trà Câu 5,70m. Dự báo đến trưa và chiều nay, lũ trên các sông có khả năng lên ở mức cao. Riêng sông Vệ và sông Trà Câu lên trên mức báo động 3 từ 0,2-1m.
Theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn đã làm một người dân tử vong. Đó là trường hợp ông Nguyễn Giằng (sinh năm 1959, ở thôn Tân Bình, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), đi trên đường bị gió lớn thổi xuống kênh nước, tử vong.
NGUYỄN TRANG - NGUYỄN ĐẮC THÀNH