Hàng trăm tỷ đồng được đầu tư cho việc nạo vét các cửa biển, khai thông luồng lạch, khu hậu cần nghề cá... nhằm phát triển kinh tế biển ở Quảng Ngãi. Vậy mà nay cửa biển vẫn “tắc”, âu thuyền lại “treo”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mưu sinh, bảo vệ tài sản của ngư dân...
Tác dụng ngược
Cửa biển Mỹ Á ở cuối sông Trà Câu thuộc huyện Đức Phổ, nơi ra vào thường xuyên của khoảng 300 tàu đánh cá của xã Phổ Quang và các xã lân cận. Trong hơn 10 năm qua, kể từ trận lũ lịch sử năm 1999, cửa biển Mỹ Á đã bị lấp quá nửa. Cát theo sông đổ từ nguồn về, cát theo thủy triều từ biển vào đã làm cho cửa sông ngày một hẹp dần. Với tàu lớn, ngư dân đành phải bỏ bờ, chỉ khoảng 200 tàu công suất nhỏ là còn bám trụ ở cửa biển này.
Sau mỗi mùa biển động, xã huy động tiền trong ngư dân để thuê tàu hút cát, mở rộng luồng lạch, song chỉ cần qua mùa mưa, cát lại lấp như cũ… Để giải quyết tình trạng này, dự án cảng neo trú tàu, thuyền ở cửa biển Mỹ Á đã được khởi công đầu năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng nhằm xây dựng bến cá, vũng neo trú khoảng 400 tàu, thuyền và nạo vét thông luồng vào cảng, xây dựng đê chắn sóng, ngăn cát…
Vậy nhưng, từ khi xây đê chắn cát, cửa biển lại bị bồi lấp nặng hơn do gió từ biển thổi vào bị con đê này ngăn cản, tạo thành luồng xoáy đem theo cát tấp vào. “Đã có không dưới 10 chiếc tàu khi ra vào cửa biển này đã bị sóng biển đánh va vào đá vỡ mạn tàu” - lão ngư dân xã Phổ Quang, Trần Dù nói.
Trong khi đó, cửa Sa Huỳnh, cách cửa Mỹ Á chừng 20km về phía Nam cũng trong tình trạng tương tự. Từ đầu năm 2010 đến nay đã có 3 tàu cá va vào đá làm vỡ thân tàu. Dù mới đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến nay luồng cảng bị cát bồi lấp, hệ thống phao, đèn tín hiệu phân luồng dẫn tàu vào bến cảng đã hư hỏng hoàn toàn.
Tại âu thuyền tình trạng cũng không khả quan hơn. Được đầu tư gần 40 tỷ đồng, công trình Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) có vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, tháng 6-2008 đã bàn giao đưa vào sử dụng. Nhưng từ khi cảng hoạt động đến nay, phần lớn tàu thuyền của ngư dân trong vùng hưởng lợi đều… “né”. Nguyên nhân, theo các chủ tàu là sợ bị… điện giật do đường dây điện cao thế chắn ngang, cửa vào ra lại bị bồi lắng.
Lãng phí
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hệ thống cảng cá và vùng neo đậu trú bão cho tàu thuyền ở Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á, Sa Huỳnh và cảng cá Tịnh Kỳ, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng…
Giải thích về một số cảng cá và khu neo đậu tàu, thuyền trú bão mới đưa vào sử dụng nhưng đã có nhiều hạng mục xuống cấp, thậm chí… tác dụng ngược khiến tàu, thuyền cập bến bị mắc cạn thường xuyên, đại diện Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết: “Là do xây dựng các hạng mục công trình không đồng bộ. Nhiều dự án mới xây dựng xong giai đoạn 1, chưa nghiệm thu đã đưa vào khai thác nhiều năm liên tục, trong khi chưa có nguồn vốn đầu tư tiếp giai đoạn 2. Với Cảng cá Sa Huỳnh được xây dựng năm 2002, tổng kinh phí hơn 49 tỷ đồng (giai đoạn 1), vẫn chưa được nghiệm thu nhưng đã đưa vào khai thác, nên tàu ra vào cập bến rất khó khăn. Nhiều đoạn đê, kè chắn cát chưa xây dựng hoàn chỉnh, hàng năm lượng cát bồi lấp trở lại khá lớn nên tàu có công suất lớn phải tìm cảng khác cập bến".
“Quảng Ngãi cần nhanh chóng tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch bến cảng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá” - vị đại diện Sở NN-PTNT kiến nghị.
HÀ MINH