Quảng Ngãi tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát sinh và lây lan. Nguyên nhân do chủ vật nuôi chưa chú trọng công tác phòng bệnh, an toàn dịch bệnh chưa đáp ứng các yêu cầu, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp hoặc vaccine giả.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản về tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 cơ sở chăn nuôi tại 2 thôn thuộc 2 xã của TP Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng với tổng số tiêu hủy bắt buộc là 4.625 con; bệnh viêm da nổi cục trâu, bò đã xảy ra tại 930 cơ sở chăn nuôi ở 222 thôn thuộc 73 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố làm mắc bệnh 1.086 con, chết và tiêu hủy 249 con; bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 25 cơ sở chăn nuôi của 19 thôn thuộc 15 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã với tổng số mắc bệnh chết và tiêu hủy 459 con.

Theo nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, do các địa phương, chủ vật nuôi chưa chú trọng đến công tác phòng bệnh bằng vaccine, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp hoặc vaccine giả, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu và việc buôn bán, vận chuyển heo trái phép qua biên giới gia tăng.

Quảng Ngãi tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ảnh 1 Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại Quảng Ngãi có diễn biến phức tạp 

Nhằm ngăn chặn, xử lý, khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản phát sinh và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh động vật.

Trong đó, triển khai công tác phòng, chống bằng tiêm phòng vaccine bắt buộc các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như bệnh dại, cúm gia cầm, viêm da nổi cục,… đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm nhưng hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch.

Tăng cường quản lý công tác nhập giống thủy sản, gia súc, gia cầm; kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, buôn bán, sử dụng vaccine giả và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các Sở NN-PTNT, Sở Nội vụ, Cục Quản lý thị trường, các sở, ngành liên quan tăng cường biện pháp kiểm soát, thanh tra, kiểm tra.

Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động lập kế hoạch thanh tra kiểm tra, giám sát về buôn bán, sử dụng thuốc thú y, đặc biệt là vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, vaccine dịch tả heo châu Phi không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam theo đúng quy định pháp luật, tăng cường biện pháp kiểm soát, phát hiện, xử lý vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra vào tỉnh, có biện pháp xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 14 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 62.000 con gia cầm; bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 47 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 38.000 con heo; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 13 tỉnh, thành phố với trên 2.100 con trâu, bò mắc bệnh và bệnh trên động vật thủy sản gây thiệt hại trên 14.800ha diện tích nuôi trồng.

Tin cùng chuyên mục