Sau khi Truyện Kiều ra đời, dân gian ta đã có nhiều hình thức “biến tấu” như: lẩy Kiều - tập Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều... Nhưng có lẽ “minh họa” sinh động nhất cho kiệt tác này là trò Kiều (có người gọi là chèo Kiều). Cứ tưởng loại hình nghệ thuật độc đáo này đã khuất dần theo tuổi tác của những nghệ nhân nhưng hóa ra nó vẫn còn âm ỉ sống cùng người dân Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Tìm lại tấn trò Kiều
Thật may mắn khi tôi gặp được ông Nguyễn Mậu - tộc trưởng đại tôn dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Nhà ông Mậu ở thôn An Mỹ, gần mộ cụ Nguyễn Du. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về trò Kiều, ông Mậu và bà Trần Thị Phượng - vợ ông - không giấu nổi niềm vui. Bà “khoe” mình vừa được công nhận là nghệ nhân dân gian từ việc diễn trò Kiều. Ông bảo, cái duyên ông đến với trò Kiều khá tự nhiên. Ông vốn là giáo viên dạy tự nhiên nhưng lại có chút hiểu biết và niềm đam mê viết lách, nhất là về các vốn cổ của cha ông. Biết thế, vào quãng thời gian năm 1997-1998, ông Nguyễn Ban, khi đó là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân, nhiều lần gặp ông đặt vấn đề khôi phục trò Kiều. Kết quả, năm 2000, Câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền được thành lập với 16 thành viên do ông Mậu làm Trưởng ban.
Trò Kiều có ở Tiên Điền tự bao giờ ông Mậu không biết chính xác. Nhưng dường như loại hình nghệ thuật này đã trở thành nét văn hóa độc đáo và là “niềm thương nỗi nhớ” của người dân quê Đại thi hào Nguyễn Du. Ông Mậu nhớ khoảng từ năm 1957 các đội trò Kiều xuất hiện ở nhiều nơi trong huyện Nghi Xuân nhưng không lâu sau đó thì mất dần. Kịch bản Trò Kiều ở Tiên Điền được ông Nguyễn Mậu sưu tầm và chỉnh soạn từ tháng 6-1998 đến tháng 9-2001 mới hoàn thiện. 16 anh chị em trong câu lạc bộ miệt mài tập luyện hàng năm trời, có người phải sắm 2-3 vai mới đủ tấn trò. Nhiều trích đoạn đặc sắc bắt đầu được dựng lại như: Kiều - Kim gặp mặt, Kiều bán mình chuộc cha, Từ Hải chết đứng, Hoạn Thư đánh ghen... được người dân trong vùng đón nhận và tán thưởng.
Bâng khuâng nhớ những “cô Kiều”
Trò Kiều dựa vào nội dung của Truyện Kiều với đầy đủ các nhân vật chính, ngoài ra còn có thêm nhân vật mang tính dẫn chuyện, mua vui là Chanh. Không gian và thời gian của trò Kiều dùng lối ước lệ, vũ đạo để ứng chỉ sự chuyển biến trong “hoạt động sống” của nhân vật... Nhạc cụ cho trò Kiều chỉ có trống và nhị. Một việc cực khó khi biểu diễn trò Kiều là loại hình nghệ thuật này không theo lối “víu” vào thể thơ lục bát vốn ở Truyện Kiều mà nó được thể hiện không câu nệ với nhiều giọng, làn điệu tổng hợp từ chèo, hát bội, xoan, ca trù, cải lương, ca Huế... Mỗi nhân vật, mỗi trường đoạn sẽ “ứng” với các làn điệu cụ thể. Ví như cảnh bi lụy, chia ly thì sử dụng cải lương, ca Huế; cảnh diễn tả sự dũng mãnh của Từ Hải thì dùng hát bội...
Sự phức tạp này đòi hỏi diễn viên phải có năng khiếu và khổ luyện mới thực hiện được vai diễn của mình, đặc biệt là vai Kiều. Người đóng Kiều ngoài có sắc phải có tài mới thể hiện được các làn điệu khác nhau như kể trên, đồng thời phải biểu cảm và “bắt” được nhiều giọng khi “ứng” với các nhân vật khác nhau... Vì vậy, để đào tạo ra được một “cô Kiều” tốn rất nhiều tâm - sức. Nhiều khi tìm được cô gái có sắc, hát hay thì giọng Tiên Điền (nét tạo đặc trưng) không có. Đến khi tìm được, đào tạo được một “cô Kiều cho ra Kiều” thì bất ngờ cô đi lấy chồng xa hoặc đi xuất khẩu lao động nước ngoài... Trò Kiều mà vắng “cô Kiều” thì dĩ nhiên không thể diễn. Và đây là một trong những lý do chính, cùng với vấn đề kinh phí, thiếu nghệ nhân... khiến trò Kiều đứng trước nguy cơ mai một.
Hơn 2 năm nay trò Kiều trở nên yên ắng trên quê hương cụ Nguyễn Du vì vắng “cô Kiều” Trần Thị Giang. “Cô Kiều” ấy đã đi xuất khẩu lao động bên Nga, rồi lần lượt đến “Thúy Vân” Trần Thị Duyên cũng sang Nga, “Hoạn Thư” Trần Thị Sâm thì đi Đài Loan (Trung Quốc)... Ông Mậu nói vui mà nét mặt bâng khuâng: “Không biết năm ni “cô Kiều” có được về quê ăn tết không hay vẫn phải ở lại đất khách quê người...?”
Duy Cường