Quốc hội bàn về cơ chế lấy phiếu tín nhiệm: Không mở rộng đối tượng lấy phiếu để tránh hình thức

Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm cả giám đốc sở
Quốc hội bàn về cơ chế lấy phiếu tín nhiệm: Không mở rộng đối tượng lấy phiếu để tránh hình thức

Chiều 29-10, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ ngày 29-10. Ảnh: Minh Điền

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ ngày 29-10. Ảnh: Minh Điền

Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm cả giám đốc sở

Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc cần thiết phải có nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm những người do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết, cử tri rất đồng tình khi QH xây dựng cơ chế về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng cũng mong mỏi việc này cần phải làm một cách thực chất, hiệu quả. Nhiều ĐBQH ở đoàn TPHCM có chung nhận định rằng việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do QH, HĐND hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH, các ban của HĐND… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức.

ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 vị trí chủ chốt được QH bầu hoặc phê chuẩn. “Lấy phiếu ở phạm vi gọn và rõ mới đem lại hiệu quả” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đồng tình.

Ở HĐND các cấp, nhiều ĐBQH đề nghị cần lấy phiếu tín nhiệm đối với giám đốc các sở, trưởng ngành ở địa phương. ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (TPHCM) cho rằng ở địa phương các sở là cơ quan hành pháp cụ thể, có vai trò rất quan trọng trong điều hành cũng như quản lý chính sách nên cần phải đưa vào diện lấy phiếu tín nhiệm hàng năm.

Với kinh nghiệm trong hoạt động HĐND ở địa phương, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, giám đốc sở và trưởng ngành có người không do HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhưng là những người có tác động trực tiếp tới tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương và đời sống của nhân dân. Bà đề nghị với các chức danh không phải do HĐND bầu hoặc phê chuẩn vẫn lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, nếu tín nhiệm thấp thì chuyển kết quả cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Tín nhiệm thấp cần bỏ phiếu bất tín nhiệm

Dự thảo Nghị quyết quy định có 4 mức trên phiếu lấy tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”. Nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa mức “chưa có ý kiến” vào phiếu. Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện, lấy phiếu tín nhiệm là để ĐBQH phát huy vai trò đại biểu của dân trong giám sát. Nếu bỏ phiếu mà không có chính kiến thì không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. ĐB Trần Du Lịch đề nghị chỉ đưa 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” vào phiếu.

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, khi tín nhiệm thấp ở vòng “lấy phiếu” thì ở vòng 2 nên bỏ phiếu bất tín nhiệm, vì bản chất chính là thế chứ không phải là bỏ phiếu tín nhiệm. ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị nếu kết quả ở vòng lấy phiếu trên 50% “không tín nhiệm” thì cho nghỉ, và nếu quá 2/3 “tín nhiệm thấp” thì cũng đề nghị từ chức.

Trong khi đó, các ĐB Trần Dương Tuấn, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng khi người được lấy phiếu tín nhiệm mà bị đánh giá là không có tín nhiệm hoặc không quá 50% hay 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì làm luôn quy trình miễn nhiệm. “Tránh chạy đêm, chạy hôm sau này” - ĐB Trần Xuân Hòa nói. Đồng tình với quan điểm này, các ĐB Đặng Đình Luyến, Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng, khi lấy phiếu tín nhiệm mà người lấy phiếu tín nhiệm bị đánh giá ở mức thấp thì QH, HĐND làm luôn quy trình bất tín nhiệm và từ đó có quy trình bãi nhiệm.

Nhóm PV


Giá đất phải do Nhà nước quy định

Sáng 29-10, Quốc hội (QH) đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về các dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh. QH cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình bày Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

TPHCM đang rà soát để xóa những dự án quy hoạch treo. Trong ảnh: Một mặt bằng quy hoạch đất tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Thanh Tâm

TPHCM đang rà soát để xóa những dự án quy hoạch treo. Trong ảnh: Một mặt bằng quy hoạch đất tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Thanh Tâm

Giá đất được điều chỉnh linh hoạt

Theo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang trình bày tại phiên họp, bản Dự thảo sửa đổi lần này gồm 14 chương, 190 điều, chủ yếu sửa đổi các nội dung như: phạm vi điều chỉnh; quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; công chứng các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp về đất đai. Đáng lưu ý, các quy định về tài chính đất đai và giá đất; thời hạn giao đất nông nghiệp cho tổ chức, cá nhân; nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất - những vấn đề được coi là nguyên nhân của nhiều bức xúc gay gắt thời gian qua - đã được tập trung làm rõ.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, đa số ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Về giá đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất, nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước, vì phần này không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra.

Ngoài tiền bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi... Theo nghị trình kỳ họp thứ 4 của QH, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được QH cho ý kiến tại phiên họp toàn thể cả ngày 19-11 tới.

Bổ sung hai thiết chế hiến định độc lập

Theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định 9 nội dung cơ bản sửa đổi. Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào ba vấn đề lớn là: Chủ quyền của nhân dân; bộ máy nhà nước; thể chế kinh tế, xã hội.

Cụ thể, về chế độ chính trị, về cơ bản, Dự thảo vẫn giữ các nội dung Chương I của Hiến pháp năm 1992, đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, quan điểm về chủ quyền nhân dân theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại biểu, các cơ quan khác của Nhà nước theo tinh thần của Cương lĩnh.

Về chế độ kinh tế, làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tài sản thuộc sở hữu toàn dân, việc quản lý và sử dụng đất đai và bổ sung một điều mới về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác.

Về bộ máy nhà nước, tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

Trong đó, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND; hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp để tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Sắp xếp lại nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước

Tờ trình nêu rõ, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các vị ĐBQH, Ủy ban sẽ chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và phối hợp với Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết của QH.

Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013).

Đáng chú ý về thiết chế Chủ tịch nước, Dự thảo sửa đổi làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước trong một số lĩnh vực, sắp xếp lại nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Trong đó, quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của QH, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

  • ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Không nên giới hạn diện tích được nhận chuyển nhượng

Dự thảo luật lần này mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, nhưng vẫn hạn chế là “không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp”. Tôi cho rằng mấu chốt của vấn đề là tăng cường quản lý mục đích sử dụng đất, chứ không nên giới hạn cũng như thời hạn và quy mô sử dụng đất, vì như thế sẽ hạn chế sản xuất với quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại.

Chúng ta đã có “chốt chặn” khá an toàn là không công nhận sở hữu tư nhân về đất rồi, để đạt được mục đích sử dụng đất đai lâu dài, có hiệu quả có thể sử dụng chính sách đánh thuế trên quy mô sử dụng. Diện tích lớn, thuế lớn, làm không hiệu quả, chủ sử dụng tự khắc phải trả lại. Vấn đề hiện nay là rất nhiều đối tượng làm sai mục đích mà vì lý do này nọ, cả tiêu cực nữa, nên địa phương không quyết liệt thu hồi!

  • ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Chưa bịt được hai lỗ hổng lớn: khiếu kiện và tham nhũng

Việc định giá đất có nhiều điểm không hợp lý, dự luật lần này khắc phục được một phần, nhưng vẫn chưa thực sự rõ. Nhất là đất giáp ranh giữa hai tỉnh, thậm chí hai quận, huyện trong cùng tỉnh. Sự chênh lệch rất lớn giữa hai mảnh đất khác nhau chỉ cách nhau có một bờ ruộng, một con đường là nguyên nhân gây khiếu kiện rất lớn. Năm nay thế này, sang năm thế khác, dù quy hoạch không thay đổi, vừa không công bằng, vừa tạo điều kiện cho tham nhũng sinh sôi nảy nở. Tôi đề nghị khung giá đất nên giữ 3 - 5 năm, phù hợp kỳ quy hoạch. Chuyện thỏa thuận về giá đất dự luật này cũng chưa đưa ra lời giải thỏa đáng.

Về hạn mức được nhận chuyển nhượng đất, theo tôi không nên quy định trần tối đa. Tại sao các nước làm được việc tích tụ đất đai để sản xuất lớn? Họ điều tiết bằng thuế. Anh cứ mua đi, cứ giữ đi, nhưng tôi đánh thuế. Càng “ôm” nhiều, thuế càng cao. Đất ở cũng thế. Ai cũng có nhà ở, nhưng đến cái nhà thứ 2 thuế khác, thứ 3 càng cao nữa, để lâu không sử dụng càng nhiều năm thuế càng cao.

Nhưng cũng không thể kỳ vọng luật này giải quyết được hết các bức xúc xã hội về đất đai. Quản lý kém thì có luật cũng bằng không. Bao nhiêu dự án treo đó, “sa mạc hóa” cả một vùng bờ xôi ruộng mật của bà con. Lẽ ra chưa làm thì để đấy bà con còn nuôi tôm, trồng rau, cấy lúa, bây giờ bỏ hoang, vốn giải phóng mặt bằng, công đổ đất, san nền, bảo vệ... nằm đọng đấy, lãng phí xã hội rất lớn.

Anh Phương – Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục