Quốc hội bất bình vì tham nhũng

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về thủy điện sông Tranh 2, chính sách tiền lương
Quốc hội bất bình vì tham nhũng

Chiều 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012. Đa phần đại biểu (ĐB) Quốc hội bức xúc với công tác PCTN hiện nay; nhiều ý kiến nhấn mạnh phải hết sức cảnh giác tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm ngân hàng.

Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp. Ảnh: MINH ĐIỀN

Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp. Ảnh: MINH ĐIỀN

  • Vì sao tội phạm gia tăng?

Các ĐB Quốc hội nhận định, năm 2012 do kinh tế khó khăn nên tội phạm gia tăng, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng phát triển, tội phạm công nghệ cao lừa đảo, gây rối trật tự an ninh. Tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa tiếp tục đáng báo động. Hàng loạt vụ tham nhũng tiêu cực ở tổng công ty, tập đoàn nhà nước rất nghiêm trọng, gây giảm sút lòng tin của nhân dân. “Tỷ lệ tăng của tội phạm còn nhanh hơn tỷ lệ tăng dân số. Do đâu? Do công tác phòng ngừa chưa tốt. Bộ ngành chỉ chạy theo chỉ tiêu kinh tế, ít coi trọng phòng ngừa tội phạm, coi đó là việc của công an, còn công an lại chạy theo giải quyết vụ việc, vụ án” - ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) bức xúc.

ĐB Đương cho rằng, cần phải dự báo, tăng cường công tác phòng ngừa theo hướng thành lập trung tâm phòng ngừa tội phạm quốc gia. “Các bộ ngành phải có báo cáo về tình hình tội phạm trong ngành mình để Chính phủ có bức tranh toàn cảnh, từ đó hoạch định chính sách phòng chống tội phạm hiệu quả” - ĐB Đương đề xuất. Đa số các ý kiến cũng cho rằng để phòng chống tội phạm hiệu quả, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm.

Quốc hội bất bình vì tham nhũng ảnh 2

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM)

Riêng về công tác PCTN, đây là lĩnh vực mà các ĐB thể hiện bức xúc nhiều nhất. Nhiều ĐB cho rằng, báo cáo về kết quả PCTN năm 2012 của Chính phủ chưa đúng như thực tế diễn ra. Số vụ án tham nhũng nhiều nhưng phát hiện, xử lý còn ít. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng có hiện tượng hành chính hóa, nội bộ hóa để giảm án tham nhũng. “Số vụ án tham nhũng nhiều nhưng khởi tố kiểu đầu voi đuôi chuột. Thất thoát nhiều nhưng khi kết luận lại không có tham ô. Thu hồi tài sản chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng rất thấp, chỉ vài phần trăm, vậy đi đâu hết? Nếu chỉ phát hiện, xử tù mấy năm rồi tha thì không răn đe được tham nhũng. Phải tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng”.

Các ĐB cũng cho rằng, còn rất nhiều sơ hở trong quản lý nhà nước khiến tham nhũng vẫn tiếp tục gia tăng. Các cơ quan chuyên trách PCTN tuy được kiện toàn nhưng rất nhiều địa phương không phát hiện được vụ tham nhũng nào, có chăng phát hiện chỉ đến cấp xã, huyện với những vụ vụn vặt vài ba triệu đồng; còn dạng tham nhũng thông qua việc ra các quyết định, chính sách trái luật để đối tượng khác lợi dụng, trục lợi thì chưa làm rõ được bao nhiêu. Nhiều ĐB cho rằng, báo cáo về PCTN của Chính phủ chưa chỉ ra đúng những nguyên nhân dẫn đến tội phạm tham nhũng để giải quyết đột phá trong các năm tới. Theo ĐB Lê Đông Phong (TPHCM), nếu chưa phân tích đầy đủ về các nguyên nhân tham nhũng sẽ không chỉ rõ được trách nhiệm cũng như giải pháp khắc phục.

  • Cần một nghị quyết riêng về xử lý tội phạm kinh tế

ĐB Lê Đông Phong phát biểu, hiện nay đang phát sinh nhiều loại tội phạm kinh tế, trong đó có tội phạm ngân hàng. “Tôi cho nguyên nhân chính là từ quá trình điều hành, quản lý nhà nước. Ví dụ, vụ Nguyễn Đức Kiên, là hành vi tội phạm kéo dài, khác với các loại tội phạm xã hội bộc phát khác. Tội phạm kinh tế thường kéo dài, đến khi phát hiện gây hậu quả thì mới có cơ sở để định tội. Cần phân tích, mổ xẻ một cách sâu sắc hơn loại tội phạm này” - ĐB Phong đề nghị. Theo ông, nhiều loại tội phạm khác cũng xuất phát từ đây như tham nhũng, sai phạm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... Trong quá trình tái cơ cấu, có rất nhiều cơ hội để tội phạm kinh tế nảy sinh, đề nghị phải hết sức chú ý.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) nói, công tác phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm về kinh tế là có vấn đề. “Tại sao số vụ án về kinh tế được phát hiện ít ỏi thế, trong khi thực tế diễn ra rất nhiều: buôn gian bán lận, hàng giả, hàng nhái... Nếu không nhận định đúng tình hình rất khó chuyển biến. Tội phạm ngân hàng chẳng hạn, tại sao có cả hệ thống an ninh ngân hàng mà không phát hiện ra. Hay phát hiện mà không xử lý? Tại sao Vinashin mua một cái ụ nổi nhiều tiền thế mà cảnh sát kinh tế không phát hiện ra?” - ĐB Ánh bức xúc.

Các giải pháp phòng ngừa tội phạm, PCTN mà Chính phủ đưa ra theo ông Ánh cũng giống như các năm. Vì vậy, phải có giải pháp để giám sát, xử lý loại tội phạm về kinh tế, về ngân hàng. Khi có hiện tượng nổi lên thì cơ quan chức năng phải vào cuộc, không nên để như hiện nay, gần như người dân phải tự điều chỉnh với nhau. ĐB Ánh đề nghị phải có một nghị quyết riêng về xử lý tội phạm kinh tế, đừng để đến khi xảy ra các vụ án như Vinashin, Vinalines thì mới lo giải quyết hậu quả.

ĐB Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, hiện số lượng được hưởng án treo còn lớn, do đó cần xem xét lại tiêu chí để cho hưởng án treo để đảm bảo tính chất răn đe. Cùng chung ý kiến, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói một trong những nguyên nhân của tình hình tội phạm nhiều là do xử lý tội phạm còn quá nhẹ, án treo nhiều. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, trong xã hội còn tồn tại nhiều hành vi, hành động thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước. Đây là vấn đề cần sớm được xem xét để ngăn ngừa tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý

PHAN THẢO - MINH GIANG


1 triệu người dân chịu thuế 

Sáng 26-10, Quốc hội đã nghe tờ trình các dự án: Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và báo cáo cùng thẩm tra kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

  • Giảm số người chịu thuế

Theo dự thảo, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Việc sửa đổi, bổ sung dựa trên tham chiếu sự biến động của các yếu tố: tăng trưởng GDP dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 vào khoảng 6,5% - 7%; GDP bình quân đầu người dự kiến năm 2014 là trên 43 triệu đồng; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các năm tới ở dưới mức hai con số; mức lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực hành chính sự nghiệp dự kiến năm 2014 và 2015 lần lượt là 1,5 triệu đồng và 1,8 triệu đồng...

Theo mức giảm trừ gia cảnh này, người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế, người có 2 người thân phụ thuộc có thu nhập từ 16,2 triệu đồng/tháng trở xuống chưa phải nộp thuế; người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế 490.000 đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế) và có 2 người phụ thuộc thì số thuế nộp chỉ 190.000 đồng/tháng.

Thẩm tra về dự án luật này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, tuy đa số ý kiến trong ủy ban đồng ý với mức giảm trừ gia cảnh như dự luật nhưng việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng đồng nghĩa thay đổi mục tiêu ban đầu của Luật Thuế thu nhập cá nhân: số người nộp thuế từng bước được tăng lên, người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội làm quen dần với sắc thuế này và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, với mức giảm trừ gia cảnh mới, số người nộp thuế thu nhập cá nhân từ khoảng 3,87 triệu người (chiếm 4,4% dân số cả nước) giảm chỉ còn khoảng 1 triệu người, giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người có thu nhập và giảm nguồn thu ngân sách.

  • Nhiều thay đổi

Theo dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đã được bỏ. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thực hiện kết luận số 21 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, dự thảo luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ do Đảng quy định; đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.

Liên quan đến đối tượng kê khai, công khai thu nhập, theo dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đối tượng phải kê khai thu nhập sẽ bao gồm một số vị trí đáng chú ý như: ĐB Quốc hội chuyên trách, ĐB hội đồng nhân dân; cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên; tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch của UBND xã, phường, thị trấn; cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên...

HÀ MY

*****

Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã: Năm thứ ba có thể thay đổi giảm trừ gia cảnh

Đó là nhận định của ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, bên hành lang Quốc hội sau khi Chính phủ trình dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

* Phóng viên:
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc nên dựa vào mức lương tối thiểu để từ đó có thể thay đổi theo biến động của giá cả thay vì con số ấn định, cứng nhắc?

* Ông ĐINH VĂN NHÃ:
Các nước đều làm thế, nghĩa là lấy mức giảm trừ theo thu nhập đầu người. Trung Quốc cứ 2 năm lại điều chỉnh theo biến động của giá khi điều đó ảnh hưởng đến thu nhập của dân cư. Mức giảm trừ gia cảnh, theo như các nước, không phải là khoản thu nhập để đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu của một người lao động hay phụ thuộc. Đây chỉ là một quy định hỗ trợ người có thu nhập. Thu nhập 10 triệu đồng với một gia đình đông con cũng không thể đủ sống nhưng với người khác thì có thể. Đưa ra một con số cụ thể chỉ là quy ước. Còn về nguyên tắc của thuế thu nhập cá nhân là tính thuế từ những khoản thu nhập đầu tiên.

* Dự thảo có đề cập đến việc khi giá cả tăng trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả. Quy định về mức biến động 20% có quá cao?

* Mức 20% dựa trên biến động giá cả trong khoảng thời gian nhất định tính từ thời điểm gốc chứ không phải tính trên một năm. Ở nước ta, giá cả hàng năm biến động khoảng 7% - 8%, sau khoảng 2 năm tăng giá, đến năm thứ ba có điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Tôi cho rằng lấy mốc mức biến động giá cả 20% là hợp lý.

* Có những ý kiến cho rằng, tại sao chúng ta không giãn bậc thuế xuống còn 5 bậc, bởi với 7 bậc là quá dày?

* Với mức giảm trừ gia cảnh như dự thảo, tính điều tiết của thuế thu nhập đã giảm đi. Nếu chúng ta giãn bậc thuế, hụt thu ngân sách nhiều nữa và sẽ không như con số dự báo là 12.000 - 14.000 tỷ đồng/năm. Chúng ta phải đảm bảo hợp lý với người lao động song cũng phải tính đến nguồn lực ngân sách sao cho nguồn thu không giảm quá lớn.

NGỌC QUANG

Ông Vương Đình Huệ trình bày về dự án Luật Thuế Thu nhập cá nhân trước Quốc hội

Ông Vương Đình Huệ trình bày về dự án Luật Thuế Thu nhập cá nhân trước Quốc hội

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về thủy điện sông Tranh 2, chính sách tiền lương

Thủ tướng Chính phủ phân công một số bộ trưởng chuẩn bị bổ sung các báo cáo gửi ĐBQH nghiên cứu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Đây đều là những vấn đề nóng, được cử tri cả nước và các ĐBQH đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình Báo cáo việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào kết quả bước đầu, những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, kết quả giải quyết nợ xấu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ GT-VT chuẩn bị, trình Báo cáo về công tác quản lý, sử dụng tiền xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông của cả nước năm 2011, 2012 và giải pháp bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn tiền này theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công thương chuẩn bị, trình Báo cáo về tình hình, ảnh hưởng của động đất tại khu vực Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đối với công trình; các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực ảnh hưởng của đập thủy điện Sông Tranh 2. Đồng thời, chuẩn bị, trình 2 báo cáo: Báo cáo về tình hình nợ đọng thuế của các doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; giải pháp khắc phục để thu đúng, thu đủ thuế theo quy định của pháp luật; Báo cáo về trực trạng kinh doanh vốn sở hữu Nhà nước, bảo toàn vốn và phát triển giá trị đầu tư, tài sản sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị, trình Báo cáo việc triển khai sửa đổi, bổ sung một số chính sách cần thiết để có thể điều chỉnh nhằm sớm khắc phục bất hợp lý trong chính sách tiền lương hiện hành.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục