Quốc hội thảo luận 2 dự án luật: Để người tiêu dùng không bị “móc túi”

* Cần quy định “điểm dừng”, không để khiếu nại nhiều lần
Quốc hội thảo luận 2 dự án luật: Để người tiêu dùng không bị “móc túi”

* Cần quy định “điểm dừng”, không để khiếu nại nhiều lần

Hôm qua, Quốc hội đã góp ý kiến đối với 2 dự án Luật Khiếu nại và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vấn đề khiếu nại đông người và quảng cáo sai sự thật, chậm thu hồi hàng hóa phẩm chất kém được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

  • Ứng xử thế nào với khiếu nại đông người?

Nhiều ĐB cho rằng Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính có quan hệ hữu cơ với nhau, tiếc rằng hai văn bản pháp quy này đã không được xem xét, thông qua cùng lúc. Vì vậy, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) đề nghị Quốc hội lưu ý tính thống nhất giữa hai đạo luật để tránh “chỏi” nhau trong quá trình thực hiện.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đồng ý với ĐB Trừng, đồng thời đặc biệt quan tâm đến nội dung quy định về khiếu nại đông người và cho rằng không cần thiết quy định mục riêng về trường hợp này. “Đưa vô là tự “trói mình”, còn việc cố tình tổ chức tụ tập đông người để gây rối được chế định ở những văn bản pháp quy khác”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại cho rằng, dù không chấp nhận khiếu nại đông người thì thực tế vẫn đang diễn ra như vậy. Vì thế, cần ghi rõ trong luật, nếu có khiếu nại đông người phải có các bước giải quyết như thế nào. Theo ông, cơ quan giải quyết khiếu nại có thể mời một số người đại diện đến làm việc.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng cho rằng, nếu không thụ lý đơn tập thể về một việc liên quan đến nhiều người mà mỗi người nộp một đơn thì việc giải quyết sẽ cồng kềnh, khó khăn. Để tránh tình trạng lộn xộn, dễ bị lợi dụng, nên quy định với những khiếu nại từ 10 người trở lên cần cử đại diện làm việc với cơ quan có trách nhiệm.

ĐB Dương Hiền (Lạng Sơn) đề nghị, trong một số trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự một số người khiếu nại quá khích. Không thể chấp nhận việc người khiếu nại đến nơi giải quyết khiếu nại chửi mắng tục tĩu, nhảy lên bàn ghế…

Về thời hạn giải quyết khiếu kiện theo quy định tại dự thảo luật, ĐB Tất Thành Cang góp ý: “Thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại 30-45 ngày trong một số trường hợp vẫn là quá ngắn. Ở TPHCM, với số lượng đơn thư khiếu nại rất lớn, trong đó đơn thư khiếu nại lần hai do Chủ tịch UBND TP phải ra quyết định giải quyết lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thì rất dễ vi phạm về thời hạn”.

ĐB Bùi Hoàng Danh có cùng quan điểm: “Phải tính toán lại chứ để vậy không khả thi. Và phải bổ sung quy định về điểm dừng, chứ không cứ khiếu nại đi khiếu nại lại mãi”.  

ĐB Võ Thị Dễ (Long An) phát biểu tại hội trường.

ĐB Võ Thị Dễ (Long An) phát biểu tại hội trường.

  • Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật

Chiều qua, 29-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. So với lần dự thảo trước, dự thảo luật lần này đã có nhiều chỉnh sửa phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần xem xét, cân nhắc quy định quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với thực tế và pháp luật hiện hành.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế, có nhiều trường hợp giá trị các tranh chấp của người tiêu dùng thường không lớn nên người tiêu dùng có tâm lý ngại khởi kiện (như các vụ xăng pha aceton, nước tương nhiễm 3-MCPD, gian lận đo lường trong kinh doanh xăng dầu, xả thải  gây ô nhiễm môi trường... không có cá nhân người tiêu dùng nào khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình), nhưng thiệt hại cho xã hội trong các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng này là rất lớn.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) và rất nhiều ĐB khác nêu bức xúc về tình trạng quảng cáo sai sự thật hiện nay.

ĐB Võ Thị Dễ (Long An) cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn và quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ cũng như UBND các cấp trong việc bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng ở lĩnh vực quảng cáo, nhất là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thiết thực cho sản xuất của nông dân như thuốc trừ sâu, phân bón.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị luật cần cấm hành vi che giấu hàng hóa kém chất lượng. Vì thực tế có những nhãn hàng bị khiếm khuyết, trong khi nước ngoài thu hồi rầm rộ thì ở Việt Nam không thu hồi.

ĐB Nguyễn Đình Xuân cho rằng, hành vi chậm thu hồi và tiêu hủy sản phẩm cũng cần bị cấm và xử lý, vì nếu để chậm có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là ý kiến của khá nhiều ĐB.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ y tế và giáo dục nên được quy định bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì gần đây có rất nhiều khiếu kiện liên quan đến việc các bệnh viện, trường học thu tiền cao nhưng chất lượng thấp cũng là một kiểu “móc túi”.

ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) đề nghị bổ sung vào luật quy định hành vi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn của người tiêu dùng để tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng dưới hình thức cứu trợ.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng  cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với những hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây tác hại đối với người tiêu dùng. “Nhiều nước trên thế giới đã làm rất tốt, không chỉ tốt cho người tiêu dùng mà còn giúp cho người sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình”, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho biết.

B.VÂN - P.THẢO 

Cảnh báo tình trạng rừng bị xâm hại, khai thác không hiệu quả

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường vừa gửi tới các ĐBQH báo cáo giám sát về tình hình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Bản báo cáo nêu rõ tình trạng cháy rừng năm 2010 gia tăng một cách đáng lo ngại.

Tính đến tháng 7-2010, diện tích rừng bị cháy của cả nước là 5.327,79 ha, trong đó rừng tự nhiên là 1.948,68 ha, trong khi cùng kỳ năm 2009 là 1.326,69ha. Mặc dù các địa phương đã có phương án chủ động ứng phó, đầu tư trang thiết bị… nhưng do diễn biến thất thường của thời tiết, tình trạng hạn hán kéo dài nên công tác phòng, chống cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng được coi là hiệu quả quá thấp; một số giấy chứng nhận đầu tư được cấp ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Một số địa phương có tình trạng giao đất rừng chồng lấn: diện tích đất rừng đã giao hộ gia đình quản lý lại được tiếp tục giao cho nhà đầu tư nước ngoài thuê. Cơ quan giám sát đề nghị xem xét lại việc giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài để việc giao đất, giao rừng đảm bảo quyền lợi của hộ gia đình, cá nhân tại địa phương và việc giao đất, giao rừng tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Thông tin liên quan:

>> Đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Luật Khiếu nại: Tính kỹ thời hiệu giải quyết

>> Quốc hội thảo luận dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Xóa xin - cho, chống thất thoát

>> Đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: Cải cách đột phá, phòng chống tham nhũng

Tin cùng chuyên mục