Quốc hội thảo luận dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Xóa xin - cho, chống thất thoát

Quốc hội thảo luận dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Xóa xin - cho, chống thất thoát
Mặc dù dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp thu, chỉnh lý, nhưng tại buổi thảo luận chiều qua, 27-10, các ĐBQH tiếp tục yêu cầu ban soạn thảo làm rõ thêm một số vấn đề để dự luật có tính khả thi cao hơn, thực hiện cho được mục tiêu xóa bỏ cơ chế xin - cho trong hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời chống tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi như hiện nay.
  • Chỉ đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Điểm mới trong dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này chính là quy định về đấu giá quyền thăm dò, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH. Qua thảo luận, một số ĐBQH đề nghị không quy định đấu giá quyền thăm dò khoáng sản vì tính rủi ro trong hoạt động thăm dò rất cao. Mặt khác, khi chưa thăm dò thì chưa đánh giá được trữ lượng, chất lượng khoáng sản nên khó thực hiện.
Các đại biểu thuộc tổ TPHCM, Hà Tĩnh và Bắc Ninh đang thảo luận Dự án Luật phòng, chống mua bán người. Ảnh: Minh Điền

Các đại biểu thuộc tổ TPHCM, Hà Tĩnh và Bắc Ninh đang thảo luận Dự án Luật phòng, chống mua bán người. Ảnh: Minh Điền


ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi, thất thoát khoáng sản như hiện nay, điều quan trọng phải xác lập quyền sở hữu của nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản. Tinh thần này cần được thể hiện rõ trong luật. Theo đó, việc điều tra, thăm dò khoáng sản nên do Nhà nước đứng ra thực hiện.
Trường hợp cho doanh nghiệp được thực hiện hoạt động thăm dò, doanh nghiệp đó phải cam kết công bố đúng kết quả thăm dò, nếu sai phải bồi thường. “Nếu cho doanh nghiệp thăm dò, sau đó chính doanh nghiệp đó được ưu tiên khai thác chẳng khác nào cho cùng một đơn vị thiết kế, thi công, và giám sát” – ông Xuân nói. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) lại cho rằng, nên quy định hình thức đấu giá khu vực khoáng sản chưa thăm dò, bởi đây sẽ là bước cải cách rất tốt cho việc xã hội hóa công tác thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản.
Về vấn đề này, thay mặt UBTVQH báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, mục đích đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm xóa bỏ tình trạng xin - cho, không bình đẳng giữa các nhà đầu tư, để chọn được nhà đầu tư đích thực có đủ năng lực, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án. Đây là quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những hạn chế hiện nay. Do đó, UBTVQH đề nghị chỉ quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với quy định đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, UBTVQH nhận thấy việc đầu tư vào hoạt động thăm dò khoáng sản là hoạt động đầu tư ban đầu, chưa mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, có tính rủi ro cao, cần khuyến khích để tìm kiếm, phát hiện khoáng sản của đất nước nên đề nghị không quy định hình thức đấu giá quyền thăm dò khoáng sản.
  • Làm rõ quyền lợi của người dân
Một vấn đề khác trong dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) được nhiều ĐBQH thảo luận là quy định về quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Các ĐBQH kiến nghị nhà nước phải có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác.
Tiếp thu ý kiến này, dự luật được UBTVQH chỉnh lý theo hướng: địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác; ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào hoạt động khai thác khoáng sản và các dịch vụ khác có liên quan; phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân đang sinh sống ở nơi có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản; hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng, những sửa đổi này khó khả thi: “Theo dự luật, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Nhưng từ trước đến nay, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, nhân dân ở vùng có khai thác khoáng sản vẫn vô cùng khó khăn”.
Đại biểu Tuyết đề nghị cần quy định cụ thể hơn về vấn đề này, chẳng hạn làm rõ tỷ lệ phân chia như nhà nước hưởng 40%, doanh nghiệp 30%, nhân dân nơi có khai thác khoáng sản hưởng 30%. ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cũng lo ngại khi khái niệm quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản “bị gộp chung”. Đại biểu này đề nghị cần làm rõ quy định này bằng một chương riêng, thay vì chỉ quy định bằng một điều trong dự luật.
  • Luật chung chung, tính khả thi kém
Cùng ngày, thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng chống mua bán người, đa số ĐBQH đều nhất trí về sự cần thiết của luật, nhưng cho rằng việc chuẩn bị luật còn chung chung. Một số ĐB băn khoăn với quy định: UBND cấp xã nơi gần nhất thực hiện việc tiếp nhận người đến khai báo; hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú.
Được biết, giai đoạn 2004 - 2009, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ lừa bán hơn 4.008 nạn nhân; so với 5 năm trước, tăng gần 1.100 vụ và hơn 2.900 nạn nhân. Đáng chú ý, tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nam giới xảy ra ngày càng nhiều tại một số địa phương. Thêm vào đó, cũng đã xuất hiện một số đường dây đưa người ra nước ngoài bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong.
Đại biểu Lê Quang Huy (Bạc Liêu) và nhiều đại biểu khác lo liệu UBND cấp xã có kham nổi không, nhất là các xã ở vùng khó khăn, điều kiện không có? Về bảo vệ an toàn cho nạn nhân, nhiều ý kiến đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Tư pháp khi cho rằng, quy định bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân; thay đổi chỗ ở của nạn nhân và người thân thích của họ… là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta và tính khả thi không cao. Trong khi hiện nay không chỉ có nạn nhân bị mua bán cần được bảo vệ, mà còn có nhiều đối tượng khác cũng cần bảo vệ như người làm chứng trong các vụ án buôn bán ma túy, khủng bố, rửa tiền, người tố cáo tham nhũng… Cảm nhận chung của các đại biểu là dự luật vẫn còn chung chung, tính khả thi không cao.
Theo đại biểu Ngô Thị Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), cần làm rõ khái niệm “người bị mua bán” trong luật vì hiện nay có cả tình trạng mua bán khi còn là trong bào thai, do vậy cần làm rõ để có hướng xử lý, phòng chống hiệu quả.
B.MINH - P.THẢO

Tin cùng chuyên mục