Thảo luận ở hội trường sáng 26-5 về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần thiết phải ban hành sớm luật này để doanh nghiệp “chết được chôn”. Tuy nhiên, để luật ban hành được chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, cần thiết phải quy định chặt chẽ tiêu chí phá sản cũng như khắc phục các bất cập liên quan đến nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản.
Tránh đánh đồng “mất khả năng thanh toán”
Theo dự thảo, tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có một trong các căn cứ như: doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn; tài sản của DN, HTX không đủ thanh toán các khoản nợ đến hạn. Song ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, quy định như vậy chưa hoàn toàn phù hợp. Bởi DN, HTX không thanh toán, trì hoãn mang tính chủ quan và khác so với DN rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán. Mặt khác, việc DN không thanh toán mà mở thủ tục phá sản còn giúp DN trì hoãn trả nợ hợp pháp do thủ tục liên quan kéo dài. Nếu quy định như vậy sẽ có không nhỏ vụ việc tuy phải mở thủ tục phá sản nhưng thực tế DN, HTX không rơi vào tình trạng phá sản. ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho biết: Quy định dự thảo vẫn còn chung chung, định tính đánh đồng việc không thanh toán với mất khả năng.
Chẳng hạn, DN bất động sản không bán được hàng, không trả được hàng không phải là mất khả năng thanh toán. Việc mất khả năng thanh toán chỉ khi DN bán được hàng hoặc thu hồi nợ nhưng không đủ trả nợ. Nếu không quy định cụ thể, cứ chiếu theo tiêu chí trên sẽ có hàng trăm, hàng ngàn DN sẽ mở thủ tục phá sản.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phản biện, dự luật ra đời sẽ giải quyết được thực tế doanh nghiệp “chết mà không chôn” được như hiện nay. Luật này tiếp cận theo hướng để DN lành mạnh tài chính trong kinh doanh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ nợ bằng phá sản. Hiện nay, có nhiều DN có lãi nhưng chủ yếu lại vay ngắn hạn đầu tư trung, dài hạn như DN bất động sản nên khi xảy ra khủng hoảng không bán được hàng, không trả được nợ. Luật này ra đời sẽ răn đe việc đó. Việc mở thủ tục phá sản quy định tại điều 25 nhưng tuyên bố phá sản tới điều 105. Chúng ta có tới 80 điều để phục hồi DN, để giải quyết quyền lợi, hội nghị khách hàng, thỏa thuận, cho tới chẳng đặng đừng DN thực sự không có khả năng thanh toán nữa mới tuyên bố phá sản. Dự luật quy định như vậy là quá chặt chẽ. Dường như chúng ta nhầm lẫn là cứ nộp đơn mở phá sản là đã phá sản, trong khi với các quy định trong dự luật là giúp DN phục hồi thông qua hội nghị khách hàng, hội nghị các chủ nợ để có thể chuyển nợ thành vốn phục hồi. Chỉ khi DN không còn con đường nào nữa mới tuyên bố phá sản” - ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đảm bảo quyền của người lao động
Theo dự thảo, người lao động, công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày người lao động, đại diện công đoàn có yêu cầu mà DN, HTX không trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động. Đa số ý kiến tán thành cần phải có nội dung này để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều DN đang phải nợ lương người lao động nhưng người lao động vẫn thông cảm, chia sẻ do DN vẫn kiên trì bám trụ sản xuất. Do vậy, cần quy định chặt chẽ hơn và không nên quy định người lao động trực tiếp nộp đơn yêu cầu phá sản mà nên thông qua tổ chức công đoàn.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, cần làm rõ quy định để cá nhân nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tránh lạm dụng tranh chấp giữa người lao động và DN và nên quy định người lao động nộp đơn qua tổ chức công đoàn.
Đồng tình quan điểm này, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Phùng Đức Tiến (Hà Nam)… cũng cho rằng cần quy định chặt chẽ tiêu chí để mở thủ tục phá sản bởi quy định như dự thảo là chung chung và chưa ổn. Bởi nếu theo tiêu chí như dự thảo trên hàng trăm, hàng ngàn DN sẽ yêu cầu mở thủ tục phá sản, chưa kể quy định như trên còn khiến kẻ xấu lợi dụng kích động gây khó khăn cho hoạt động DN.
Đơn giản hóa việc thành lập doanh nghiệp
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Điểm mới trong thành lập và đăng ký DN là tách biệt việc đăng ký thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN như: yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định. Bên cạnh đó là tiếp tục đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho thành lập DN như: đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN (giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện); hài hòa hóa và thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký DN với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.
Thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
NGỌC QUANG
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không được ủng hộ
Chiều 26-5, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nên thực hiện theo điều 187 Bộ Luật Lao động
Đáng chú ý, về tuổi nghỉ hưu, dự thảo luật quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng trước tiên từ năm 2016 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, về vấn đề tuổi nghỉ hưu, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Loại ý kiến thứ hai đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động, đó là chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ hai. Trao đổi với PV Báo SGGP bên hành lang Quốc hội chiều 26-5, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng tình không tăng tuổi nghỉ hưu, mà phải thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động.
Tính lại cách quản lý quỹ BHXH
Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, dự thảo luật đã thay đổi cách tính mức lương hưu hàng tháng, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, ông không đồng ý với đề xuất của Chính phủ về mức đóng BHXH theo lương tối thiểu cũng như tính mức hưởng lương hưu hàng tháng. “Tại sao NLĐ đang khó khăn như vậy mà lại phải kéo dài tới 3 năm nữa (từ 1-1-2018 trở đi) mới thực hiện mức đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Tại sao chúng ta chỉ lo doanh nghiệp không có tiền đóng cho NLĐ mà không lo cho NLĐ?” - ông Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi.
Về mức hưởng lương hưu hàng tháng, trước đây NLĐ đóng BHXH 15 năm thì được tính tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu, nhưng sửa luật lại tăng lên, đến 20 năm. “Không nên như vậy đâu. Bây giờ NLĐ mỗi năm đóng BHXH tới 2,6 tháng lương. Nếu tính 19 năm NLĐ đóng BHXH thì tổng số tiền là bao nhiêu, cộng với lãi suất nữa, nhưng đến khi họ nghỉ thì BHXH chỉ trả họ một năm 2 tháng lương. Gần như NLĐ bị mất ½ số tiền. Phải tính lại cách quản lý quỹ BHXH. Tại sao ngân hàng họ nhận tiền gửi của người dân, trả được lãi, họ cũng chi cho bộ máy ngân hàng. Vậy tại sao BHXH lại ăn vào của NLĐ? Chúng tôi không chấp nhận! Một NLĐ đóng 1 tháng 22% tiền lương, nếu bỏ số tiền đó vào ngân hàng, thì 30 năm sau, sẽ có một khoản tiền lớn. Riêng lãi suất của khoản tiền đó đã hơn rất nhiều số tiền lương hưu NLĐ được lãnh hàng tháng. Rất vô lý” - ông Đặng Ngọc Tùng bức xúc và cho rằng, BHXH phải giảm bộ máy xuống, quản lý tốt lên để phục vụ cho NLĐ.
Trong khi đó, bà Trương Thị Mai cũng cho rằng: “Bộ máy BHXH lớn, chi phí nhiều. Lần này chúng tôi đã đề xuất chi phí quản lý bộ máy phải lấy từ nguồn sinh lời chứ không được lấy từ nguồn đóng BHXH của NLĐ. BHXH phải tăng cường CNTT, thu gọn bộ máy... để hạn chế chi phí. Như thế thì người dân mới tin vào chính sách an sinh xã hội này”. Một điểm mới tới đây là sổ BHXH sẽ giao lại cho từng NLĐ quản lý, không phải là do doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý như trước đây, tránh tình trạng NLĐ họ không biết họ đóng bao nhiêu tiền, đóng bao nhiêu năm. Ngoài ra, sẽ có sàn lương hưu tối thiểu, nếu NLĐ không đạt tới sàn đó (tức là lương hưu rất thấp) thì Nhà nước sẽ hỗ trợ để đóng cho NLĐ.
| |
LÂM NGUYÊN