Chiều 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống rửa tiền. Tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại một số quy định tại dự luật, trong đó có điểm mới là không quy định cơ quan phòng chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về dự luật này.
Thay mặt UBTVQH báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự án Luật Phòng chống rửa tiền đã được tiếp thu, chỉnh lý một số điểm so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Trong đó, đáng chú ý là quy định về khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị.
Theo dự luật, một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống rửa tiền là nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền. Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định khách hàng cá nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của cá nhân có ảnh hưởng chính trị.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính, “những người có ảnh hưởng chính trị” là những cá nhân được hoặc đã được giao phó các chức năng công nổi bật tại một nước khác, như những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ, các nhà chính trị cao cấp, các quan chức cao cấp trong Chính phủ, tòa án hoặc quân sự, cán bộ cao cấp trong các doanh nghiệp quốc doanh, quan chức quan trọng của đảng phái chính trị. Mối quan hệ kinh doanh với các thành viên của gia đình hoặc những người có quan hệ mật thiết với những người có ảnh hưởng chính trị cũng hàm chứa những rủi ro danh tiếng tương tự như với chính những người có ảnh hưởng chính trị. Vì thế, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH bổ sung các đối tượng này để dự luật đầy đủ, rõ ràng hơn.
Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: Đó là quy định với khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài, còn người thân của cá nhân có ảnh hưởng chính trị ở Việt Nam thì sao, có nên bổ sung vào dự luật không? Ông Thuyền cho rằng tình hình tham nhũng hiện nay khá nghiêm trọng. Vì thế, nên chăng quy định thêm trong dự luật: Cấm quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để người thân lập doanh nghiệp nhằm rửa tiền từ tham nhũng.
Công tác trong ngành tư pháp, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, nếu đã là luật phòng chống thì phải rõ hành vi cần phòng chống là gì. Tuy nhiên, ông Đương nhận xét rằng dự luật lần này vẫn chưa làm rõ được hành vi rửa tiền: “Đọc dự luật, tôi thấy chủ yếu việc phát hiện hành vi rửa tiền là qua giao dịch ngân hàng. Trong khi trên thực tế, hành vi rửa tiền có thể diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế như bất động sản, chứng khoán…”. Chính vì thế, đại biểu này cho rằng dự luật cần thiết kế lại nhiều nội dung để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) nhận xét, nếu dự luật hướng đến phòng chống rửa tiền qua ngân hàng thì quy định như vậy là ổn, nhưng nếu so với cuộc chiến chống rửa tiền mang tính toàn cầu hiện nay thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng nhận định: Phòng chống quan trọng nhất là phải chỉ ra hành vi, nhưng trong dự luật lại không có quy định đầy đủ về vấn đề này.
Việc dự luật lần này không quy định cơ quan thường trực phòng chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công an nhận được sự đồng tình của khá nhiều ĐBQH. Tuy nhiên, theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), một số nội dung về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng chống rửa tiền cần được làm rõ hơn: “Điều quan trọng là phải làm rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước về phòng chống rửa tiền và ngành công an là chống tài trợ khủng bố”. Đồng thời, theo ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội), cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành ngân hàng và công an để luật có tính khả thi cao khi thực hiện.
Theo chương trình kỳ họp, chiều 18-6, sau khi UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo lần cuối cùng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này.
BẢO MINH - ANH THƯ