(SGGP).- Chiều 25-3, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trân trọng ghi nhận những thành tựu của đất nước, trong đó có vai trò lãnh đạo quan trọng của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, song ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) vẫn trăn trở vì tốc độ tăng trưởng GDP thời gian qua không theo kịp chỉ số tăng giá, nên dù tăng trưởng cao nhưng đời sống của nhân dân không được cải thiện là bao. Tình trạng lạm phát cao hiện nay ở nước ta không hoàn toàn do tác động của thị trường thế giới, bởi lạm phát ở các nước trong khu vực bình quân chỉ vào khoảng 4%/năm.
ĐB Trần Hồng Việt thẳng thắn đặt câu hỏi, liệu có phải Chính phủ đã quá tập trung vào tăng trưởng mà lỏng tay cương đối với “con ngựa bất kham” - giá cả? Lạm phát cao tới 2 con số làm ảnh hưởng đến đa số người dân, nhưng liệu có đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nào đó hay không, có là cơ hội phát sinh tiêu cực và là bạn đồng hành của đầu tư dàn trải hay không? “Người dân phấn khởi trong ngắn hạn khi thấy các khoản chi cho an sinh xã hội tăng lên, nhưng về lâu về dài họ chỉ an tâm khi thấy giá cả được kiểm soát ổn định”, ông nói.
Tập trung vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) nhấn mạnh 2 ưu điểm rất nổi bật. Thứ nhất, lĩnh vực đối ngoại trong thời gian qua đã thắng lợi giòn giã, thúc đẩy hội nhập sâu rộng, tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thứ hai, dưới sự điều hành của Thủ tướng và Chính phủ, nước ta đã vượt qua nhiều thử thách lớn như lạm phát (2008), suy giảm kinh tế (2009), lạm phát trở lại (2010)… “Nhưng có 2 tồn tại nếu không được khắc phục, nhiệm kỳ tới sẽ khó có những chuyển biến rõ nét”, ĐB Nguyễn Đăng Trừng nhận định.
Trong khi đó, ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cho rằng việc ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện luật của Chính phủ nhiều khi quá chậm. Như Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, bây giờ gần hết tháng 3 vẫn chưa có nghị định hướng dẫn. Còn ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt câu hỏi tình trạng thất thoát tài nguyên đến mức báo động nhưng vì sao chưa có một vị lãnh đạo địa phương nào bị kỷ luật?!”. ĐB Nguyễn Lân Dũng đề nghị: “Thủ tướng phải có chính sách cứng rắn trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật làm khu công nghiệp, xử lý đến nơi đến chốn những cán bộ có tài sản quá lớn một cách bất minh”…
Trước đó, vào buổi sáng, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007 – 2011 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã được QH cho ý kiến tại tổ đại biểu.
A.Thư
Cửa thông tin từ QH sẽ tiếp tục được mở rộng hơn Cuối chiều 25-3, Văn phòng QH đã tổ chức cuộc họp tổng kết công tác thông tin tuyên truyền nhiệm kỳ QH khóa XII. Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nhận định, các cơ quan báo chí đã trở thành “cánh tay nối dài” cho các ĐBQH nắm bắt được tình hình thực tế, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến QH. Báo chí “tiếp lửa” để ĐBQH hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và trở thành những nhân vật được nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng. Đặc biệt, “báo chí đã làm cho đời sống chính trị ở nghị trường bớt phần khô khan, trở nên hấp dẫn hơn và cuốn hút cử tri hơn”. Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cũng khẳng định, trong thời gian tới, cánh cửa của QH sẽ tiếp tục mở rộng hơn đối với báo chí để lượng thông tin từ QH được truyền tải tới người dân phong phú hơn, đa dạng hơn. Hoạt động của các ủy ban của QH, nhất là các phiên điều trần về những vấn đề “nóng” trong đời sống kinh tế - xã hội tới đây cũng có thể sẽ được thông tin rộng rãi hơn. |
>> Đánh giá nhiệm kỳ 4 năm của Quốc hội khóa XII - Nâng cao hiệu quả thực tế của công tác giám sát