Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Lo tăng trưởng chưa bền vững

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác điều hành của Chính phủ trong việc hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu vĩ mô cơ bản trong năm 2017, song tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào sáng 24-10 về các báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách, nhiều ĐBQH lưu ý rằng, những yếu tố tạo nên tăng trưởng vẫn chưa bền vững, thậm chí còn tiềm ẩn không ít rủi ro.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Quá phụ thuộc vào khối FDI

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Quốc hội cần ghi nhận nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong điều kiện khó khăn nhưng đã đạt kết quả trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. “Trong điều kiện khó khăn như vậy (tăng trưởng những tháng đầu, quý đầu năm thấp), chúng ta đã đạt được kết quả bất ngờ. Nhưng kết quả tăng trưởng 7,46% của quý 3 cao cũng không được chủ quan. Vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%. Nếu chủ quan cho rằng bây giờ 9 tháng đã đạt 6,41% thì đến cuối năm chắc ăn 6,7% là không có” - Chủ tịch Quốc hội nhận định. 

Tại tổ ĐBQH TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân hai lần đứng lên phát biểu. Có cùng mối quan ngại về việc các “đòn bẩy tăng trưởng” chưa vững chắc, ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa cao, trong khi các chính sách nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp và đặc biệt là hỗ trợ cho kinh tế tư nhân vẫn chưa rõ nét. “Vốn hóa thị trường chứng khoán hiện nay lên tới 93% GDP, trong đó có một tỷ lệ lớn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nếu thấy tình hình không thuận lợi họ rút vốn là chúng ta khó khăn. Dự trữ ngoại hối đúng là tăng, nhưng vấn đề là phải chia cho số nhập khẩu xem đảm bảo được bao nhiêu tuần nhập khẩu, nếu tính thế thì cũng chưa chắc là cao kỷ lục như chúng ta nghĩ”, ĐB Trần Hoàng Ngân khuyến cáo. Còn theo ĐB Trần Anh Tuấn, trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và phụ thuộc khá lớn vào khối doanh nghiệp FDI, nhưng khối này nhập nguyên vật liệu rất lớn, do đó giá trị gia tăng thực tế mà Việt Nam được hưởng là không lớn. Đây cũng là cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. “Chúng ta không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nhưng phân tích rõ để thấy nội tại nền kinh tế nước ta, chúng ta đang khỏe chỗ nào, chỗ nào chưa khỏe và chỗ nào thật sự yếu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói. 

Tăng trưởng nhờ tín dụng?


ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bày tỏ quan ngại về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng mà ông cho là “quá cao, quá nhanh so với khả năng hấp thụ”, tiềm ẩn rủi ro tạo ra nợ xấu. “Tín dụng chảy vào bất động sản rất cao, mà là đầu cơ, chứ không phải để sử dụng thực sự. Như thế là rủi ro!”, ĐB Trương Trọng Nghĩa trăn trở.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ĐBQH Hà Tĩnh), tăng trưởng tín dụng năm 2017 dự kiến sẽ tăng 18% so với năm 2016. “Đây là chỉ tiêu định hướng, Quốc hội không giao. Tuy nhiên, Chính phủ định hướng có thể điều hành tăng trưởng tín dụng 20% - 21% nhưng mức này có đạt hay không tùy vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 11% - tương đương cùng kỳ năm 2016. Điều đó khẳng định, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm không phải dựa vào tín dụng” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và khẳng định, từ nay đến cuối năm “sẽ không có chuyện lạm phát tăng cao”. Cũng theo Phó Thủ tướng, năm 2017, tăng trưởng về vốn chiếm 53% trong tổng tăng trưởng. Tuy vốn ngân sách giải ngân chậm nhưng đang được bù lại từ giải ngân của khu vực doanh nghiệp FDI, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 33% - 34%. Trả lời câu hỏi về việc tại sao tăng trưởng cao nhưng thu ngân sách chỉ ước tăng 2,3%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ví dụ như sản xuất, tiêu thụ ô tô, hiện người tiêu dùng có tâm lý chờ thuế ô tô năm sau giảm, giá rẻ hơn nên không mua vào thời gian này. Điều đó đã ảnh hưởng đến những tỉnh vốn phụ thuộc vào công nghiệp ô tô như: Quảng Nam, Vĩnh Phúc… GDP tăng cao nhưng thu ngân sách không được như mong đợi là vì vậy.

Tăng tính linh hoạt trong điều hành ngân sách

Công tác điều hành ngân sách vẫn chưa linh hoạt, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn là một nhận xét được nhiều ĐBQH nêu ra tại phiên họp. ĐB Trần Anh Tuấn phản ánh: “Nhiều dự án trọng điểm đang thiếu vốn, trong khi có những dự án có tiền mà không tiêu được. Như dự án metro Bến Thành - Suối Tiên tại TPHCM đang triển khai, rất cần vốn, sao ta không linh hoạt điều chuyển từ dự án khác chưa dùng tới để không ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư?”. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng bức xúc về dự án metro Bến Thành - Suối Tiên và coi đây là một ví dụ cho thấy các bộ ngành chưa có sự phối hợp tốt trong chuẩn bị nguồn vốn và phân bổ vốn đầu tư là chưa tốt. Ông cho biết “sẽ phát biểu và chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án này”.

Gợi ý giải pháp cho vấn đề này, ĐB Phạm Phú Quốc nhận xét: “Vốn vay từ Chính phủ thì đụng trần nợ công, vốn vay của địa phương thì đụng trần huy động. TPHCM đang tính xin cơ chế cho phép nhà đầu tư tự vay tự trả nguồn ODA, TP bảo lãnh bằng ngân sách địa phương. Có lẽ đây là giải pháp khả thi hơn cả”. Không chỉ riêng ngân sách, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương nói chung. “Đây là vấn đề đã ghi nhận trong Hiến pháp”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh. Bên cạnh đó, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ phân tích, báo cáo sâu hơn nữa về vấn đề này, “để đảm bảo cho các thế hệ sau một tương lai bền vững”.

Tin cùng chuyên mục