(SGGPO).– Chiều nay 11-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Xây dựng sửa đổi và Luật bảo vệ môi trường sửa đổi.
Tránh lợi ích cục bộ trong quy hoạch
Về Luật xây dựng, ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) cho rằng, cần tách vấn đề quy hoạch xây dựng ra thành Luật khác (Luật quy hoạch đô thị và nông thôn), vì quy hoạch xây dựng là một vấn đề rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc cũng có luật xây dựng và luật quy hoạch. Cần quy định rõ ràng về việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng, trách nhiệm giải trình của các đơn vị quy hoạch, tư vấn nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch xây dựng. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cũng đồng tình với quan điểm Luật Xây dựng sửa đổi, chỉ nên điều chỉnh lĩnh vực xây dựng, vấn đề quy hoạch cần có luật riêng.
Dự thảo luật xây dựng sửa đổi quy định thời gian lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch là 30 ngày, đối với cơ quan là 15 ngày, ĐB Lê Trọng Sang đề nghị tăng thời gian gấp đôi, dù mất thời gian hơn nhưng sẽ bảo đảm chặt chẽ hơn. “Đề nghị có một số đồ án quy hoạch do UBND tỉnh chỉ định, còn lại nên cho đấu thầu đơn vị lập quy hoạch đồ án để tránh thông đồng lợi ích, ngăn chặn tiêu cực”, vẫn ĐB Lê Trọng Sang góp ý.
Về điều kiện điều chỉnh quy hoạch, để tránh tình trạng “chạy quy hoạch”, điều chỉnh vô tội vạ ĐB Sang đề nghị cần quy định những thông số kinh tế-xã hội cụ thể cũng như dân số tăng lên bao nhiêu thì mới điều chỉnh quy hoạch, chứ không chung chung.
Về cấp phép xây dựng tạm, ĐB Lê Trọng Sang cho rằng, dự thảo luật chưa có khái niệm rõ ràng. Ngay bản thân khái niệm xây dựng tạm cũng là không ổn, vì để xây dựng gì thì người dân cũng đã phải bỏ rất nhiều tiền, tài sản để làm, đến lúc hết “tạm” thì lại phế bỏ, rất lãng phí. “Cần phải kết cấu lại điều về nội dung này để giải quyết bức xúc của người dân, giải quyết quy hoạch treo, quy hoạch tạm. Nên thay khái niệm cấp phép xây dựng tạm bằng “được cấp phép trong khu vực đã có quy hoạch”- ĐB Lê Trọng Sang đề nghị. ĐB Huỳnh Thành Lập, trưởng đoàn ĐBQH TPHCM cũng góp ý, về nội dung lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch thì phải ghi rõ những người sẽ được mời lấy ý kiến, ví dụ đại diện mặt trận, phụ nữ… tránh tình trạng chung chung, dân không được biết việc lấy ý kiến. “Về các dự án treo, cần ghi rõ Nhà nước bồi thường như thế nào cho người dân đối với các quy hoạch đã hết hạn sử dụng mà chưa triển khai. Vừa qua TPHCM thu hồi các dự án treo, dân rất phấn khởi”, ông Lập cho biết.
ĐB Võ Thị Dung cũng cho rằng, sửa luật lần này cần phát huy tối đa vai trò giám sát của cộng đồng dân cư đối với lĩnh vực xây dựng, tránh xây dựng hàng loạt công trình hoành tráng nhưng thiếu phù hợp quy hoạch, kém hiệu quả, gây lãng phí lớn.
Cần xử lý hình sự hành vi vi phạm môi trường
Về Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) và các ĐBQH khác đồng tình cần thiết phải sửa luật, vì ô nhiễm môi trường hiện nay là đáng báo động, tác động đến đời sống dân cư. ĐB Huỳnh Minh Thiện phát hiện, Luật không có chương về bảo vệ môi trường rừng. Đó là điều đáng tiếc vì bảo vệ môi trường rừng không chỉ có ý nghĩa dân sinh mà còn có ý nghĩa an ninh quốc phòng. Trong khi thực tế, tình trạng phá rừng hiện nay, nhất là khai thác rừng trong xây dựng thủy điện đã mang đến tác hại rất lớn đối với đời sống người dân, điển hình là tình trạng lũ lụt ngày càng phức tạp. “Mục tiêu của Chính phủ tăng độ che phủ rừng từ đến năm 2020 lên 45% cho thấy vai trò rừng rất quan trọng. Phải có chương về bảo vệ môi trường rừng, trong đó xác định rõ trách nhiệm nâng cao chất lượng rừng”, ĐB Huỳnh Minh Thiện đề xuất.
Nói về quản lý Nhà nước trong thẩm định các báo cáo tác động môi trường, xử phạt hành vi vi phạm môi trường, ĐB Thiện cho biết hiện nay càng có nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật bảo vệ môi trường nghiêm trọng, điển hình gần đây nhất là công ty Hào Dương. Thế nhưng xử phạt thì rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Qua đó cũng cho thấy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn rất lỏng lẻo. “Xử phạt không chỉ dừng ở việc bồi thường cho môi trường mà còn phải bồi thường cho người dân bị chịu tác động. Cần đưa chế tài ngay trong luật để xử phạt hành chính đủ nặng, đủ sức răn đe với tổ chức, cá nhân vi phạm”, ĐB Huỳnh Minh Thiện nói. Ông cho rằng, cần chấm dứt tình trạng cơ quan quản lý vẫn đi kiểm tra, giám sát, chỉ ra sai phạm, sau đó xử phạt nhẹ nhàng và bỏ ngỏ vụ việc.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cũng đồng tình, tình trạng vi phạm môi trường ngày càng nghiêm trọng ở cả nông thôn, đô thị, khu công nghiệp cũng như ngày càng nhiều doanh nghiệp cố tình, bất chấp hủy hoại môi trường để tránh chi phí. “Cần phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường một cách bức bách hơn”, ĐB Trang nói.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang cũng đặt vấn đề, tại sao nhiều vụ doanh nghiệp vi phạm môi trường nghiêm trọng như Vedan, Hào Dương.. lại chủ yếu do cảnh sát môi trường và chính người dân phát triển chứ thanh tra môi trường rất ít tìm ra. Cho thấy công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn lỗ hổng. “Thanh tra môi trường thường thanh tra theo định kỳ, có báo trước thì chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đối phó, sau thanh tra lại đâu vào đó. Thực tế, có rất nhiều đoàn thanh tra từ cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường của bộ, sở, quận huyện… gây chồng chéo, làm phiền doanh nghiệp nhưng hiệu quả lại thấp. Vì các đoàn thanh tra trong giờ hành chính là chủ yếu, mà doanh nghiệp thì vi phạm ngoài giờ. Đề nghị luật sửa đổi cần điều chỉnh cơ chế thanh tra này để nâng cao hiệu quả. Cần quy định thanh tra đột xuất ít nhất 1 lần/năm, tránh đối phó”, bà Trang đề xuất.
Vừa qua dư luận đã lên tiếng bức xúc về tình trạng các báo cáo tác động môi trường có sự sao chép mà cơ quan thẩm định vẫn phê duyệt, ĐB Trang cho rằng cần phải chấn chỉnh nghiêm minh.
ĐB Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) cũng cho rằng, hầu hết xử phạt trong lĩnh vực môi trường chủ yếu là phạt hành chính, chưa có vụ nào truy cứu hình sự, dù hành vi sai phạm là rất nghiêm trọng. “Như Vedan vi phạm nặng thế nhưng chỉ bị phạt 200 tỷ đồng. Hào Dương vi phạm tới lần thứ 10 nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính. Trong khi hành vi của các doanh nghiệp này là không thể chấp nhận được, khi xả thải trực tiếp ra môi trường”, ông Phụng nói. Cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) cũng nhận định, Luật đưa ra nhiều hành vi cấm nhưng chế tài xử phạt lại nhẹ. “Nếu tác động đến đời sống người dân thì phải xử hình sự để đủ sức răn đe”, ĐB Gòn đề nghị.
PHAN THẢO