Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Cần giải pháp lành mạnh hóa nền kinh tế

Ngày 30-10, Quốc hội (QH) đã dành trọn ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Nhiều ĐBQH cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, cần sớm có giải pháp xử lý 2 “điểm nghẽn” cơ bản của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho. Chính phủ cũng cần xem xét cân đối nguồn tăng lương đúng lộ trình để bảo đảm an sinh xã hội.
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Cần giải pháp lành mạnh hóa nền kinh tế

Ngày 30-10, Quốc hội (QH) đã dành trọn ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Nhiều ĐBQH cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, cần sớm có giải pháp xử lý 2 “điểm nghẽn” cơ bản của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho. Chính phủ cũng cần xem xét cân đối nguồn tăng lương đúng lộ trình để bảo đảm an sinh xã hội.

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao.

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao.

  • Hiến kế tháo “điểm nghẽn”

Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), những khó khăn hiện tại của nền kinh tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc điều hành chính sách nửa vời, mang tính tình thế. Điều đáng lo ngại là niềm tin vào chính sách bị lung lay nên trong khó khăn không tìm được động lực để phấn đấu. Trong khi đó, một số DN gặp khó khăn không thoát ra được có tâm lý ỷ lại, chờ thời.

Đánh giá rằng năm 2013 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn cả trong nước và thế giới, ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, nhưng các giải pháp mà Chính phủ đưa ra mới chỉ mang tính định hướng, thiếu tính đột phá. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Kiêm đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại thực trạng khó khăn hiện nay bằng số liệu và địa chỉ cụ thể. Đồng thời, công bố nhanh và cụ thể hóa các chính sách giải quyết những vấn đề nóng bỏng trước mắt như xử lý nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho.

Nên thực hiện đúng lộ trình tăng lương
 

Nhiều ý kiến đề nghị rà soát các khoản đầu tư công để tránh lãng phí, tiết kiệm chi thường xuyên để bảo đảm tăng lương theo đúng lộ trình.

Theo ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nếu không tăng được hơn 200.000 đồng như dự kiến thì tăng hơn 100.000 đồng. “Có thể tiết kiệm phần khác để giải quyết việc này, vì đây là vấn đề an sinh xã hội, đó là đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức làm công hưởng lương, việc đó chúng ta phải tính toán” - bà Sinh nói.

ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cũng chung quan điểm việc tăng lương trong năm 2013 phải đúng kỳ hạn, đúng lộ trình cải cách tiền lương, không vì lý do khó khăn như hiện nay mà Nhà nước không tăng lương để đảm bảo an sinh xã hội, “cắt giảm các chi tiêu khác chứ không thể không tăng lương”.

Đưa ra giải pháp cụ thể, ĐB Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) đề nghị cho phát hành trái phiếu công trình để giải phóng hàng tồn kho, nhất là trong ngành xây dựng. Với nợ xấu, theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), cách xử lý không chỉ bằng mua bán nợ xấu.

Hiện nay ngân sách rất khó khăn, thậm chí chưa cân đối được nguồn để tăng lương nên không thể bỏ tiền ra để mua nợ xấu. Ông Đáng cho rằng trước mắt cần tập trung xử lý nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, “giã từ tư duy dùng ngân sách nhà nước để bao cấp”.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận định, “vòng kim cô” nợ xấu đang ảnh hưởng lớn tới hấp thụ vốn của nền kinh tế, đang bóp nghẹt hoạt động doanh nghiệp. Đáng lưu ý là hiện nay lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường có biểu hiện vượt trần mức cho phép, đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý ngay.

Về giải pháp, theo ĐB Trần Du Lịch, Ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn đưa ra giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản: “Nếu thị trường bất động sản còn đóng băng như hiện nay thì sẽ khó có thể xử lý được vấn đề nợ xấu”.

Ông cũng một lần nữa đưa ra đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để đẩy nhanh tiến trình mang tính đột phá này. Về giải phóng hàng tồn kho, nên dùng ngân sách làm “vốn mồi” đẩy mạnh tiêu thụ xi măng, sắt thép để làm giao thông nông thôn theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Một vấn đề quan trọng khác được ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nêu ra là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đang rất trầm trọng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu, nên trong thời gian tới cần sớm có giải pháp xử lý vấn đề này.

ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện nay nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp, của cán bộ công chức ở các thành phố rất lớn, trong khi đó có đến khoảng 70.000 căn hộ đang đóng băng: “Để giải quyết vấn đề này theo tôi cần có cơ chế để các doanh nghiệp bất động sản điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của phân khúc căn hộ trung bình và thấp. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ sức mua như sớm triển khai đề án quỹ tiết kiệm nhà và ban hành chính sách tín dụng nhà ở hợp lý để hỗ trợ cho người dân vay để mua nhà, qua đó giải quyết hàng tồn kho của doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng”.

  • Nợ xấu, hàng tồn đã giảm 

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm phát biểu tại hội trường.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm phát biểu tại hội trường.

Được sự gợi ý của chủ tọa phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trao đổi với ĐBQH một số thông tin về giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hồi tháng 6 chỉ số hàng tồn kho của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là 34,9%. Qua 3 tháng, đến thời điểm 1-10 chỉ số này đã giảm xuống còn 20,3% (thấp hơn mức tăng 21,1% ở thời điểm cùng kỳ năm 2011). Hiện nay, vẫn còn một số nhóm hàng có chỉ số tồn kho cao, trong đó mặt hàng than là 19% (cao hơn mức thông thường khoảng 4%), mặc dù đã giảm tồn kho khoảng 1 triệu tấn.

Bộ trưởng cho biết hiện nay ngành than đã có chính sách giảm giá cho một số đối tượng khách hàng nên dự báo đến cuối năm chỉ số tồn kho sẽ trở về mức bình thường. Với nhóm hàng phân bón, hiện đang thời điểm giao vụ nên tồn kho cũng còn khá cao, nhưng sắp tới vào vụ đông xuân sẽ giảm xuống. Mặt hàng thép hiện cũng có chỉ số tồn kho cao hơn cùng kỳ năm trước, bởi cầu xây dựng giảm: “Chúng tôi đã làm việc với Hiệp hội thép đề nghị các DN điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thuế nhập khẩu thép để hỗ trợ tiêu thụ hàng trong nước. Với các giải pháp đó, sẽ từng bước giải quyết được tồn kho thép”. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vấn đề với doanh nghiệp hiện nay không chỉ là tồn kho hàng hóa, mà quan trọng hơn là có các giải pháp hỗ trợ họ phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn sắp tới. 

Về nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lý giải, nợ xấu không phải là một con số cố định mà biến động hàng ngày. Hiện tiêu chí xác định nợ xấu của ta phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới, nhưng ngay cả thế giới hiện cũng chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu. Tuy nhiên, người ta đều thống nhất rằng con số do cơ quan quản lý công bố là có cơ sở nhất.

Theo Thống đốc, đầu năm nợ xấu tăng vì hàng tồn kho lớn, gần đây đã giảm vì hàng tồn kho cũng giảm dần. Hiện nay, trong số tài sản thế chấp của doanh nghiệp có rất nhiều hàng tồn kho (đã được thế chấp để vay vốn). Do đó việc tiêu thụ hàng tồn cũng là giải pháp giải quyết nợ xấu. Thống đốc cho biết hiện nợ đọng tiền xây dựng cơ bản ở các địa phương lên tới hơn 90.000 tỷ đồng. Nếu giải quyết được số này thì nợ xấu cũng giảm được đáng kể.

Ngoài ra, nợ đọng vốn bất động sản khác hiện cũng rất lớn. Hiện đề án xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành, và đang ở giai đoạn xin ý kiến Bộ Chính trị do còn liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan khác như Chính phủ, QH.

BẢO MINH - PHAN THẢO


  • Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Cần bao phủ BHYT 

Tình trạng quá tải bệnh viện đang là bức xúc lớn của xã hội. Chúng ta hiện nay mới chỉ đạt 22,5 giường bệnh/10 vạn dân, trong khi yêu cầu là 33 giường/10 vạn dân; các nước trong khu vực thấp nhất là 35 giường/10 vạn dân, có nước lên tới 140 giường/10 vạn dân. Quá tải tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM. Bộ Y tế cũng đã xây dựng đề án giảm quá tải, trong đó có việc tăng quy mô giường bệnh; chuẩn bị phê duyệt bệnh viện vệ tinh đối với 5 chuyên khoa...

Về giá viện phí, 18 năm nay chưa tăng, giá viện phí quá thấp thì người dân đi khám chữa bệnh rất khổ. Vì vậy, Chính phủ đã điều chỉnh viện phí nhưng cũng chỉ mới tăng 3 trong 7 yếu tố. Tuy viện phí tăng ảnh hưởng đến người dân nhưng đối tượng người nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách... đều đã được Chính phủ hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Để tránh tác động từ giá viện phí, cần bao phủ BHYT. Đó là nền móng của một nền y tế nhân văn, công bằng, người dân ít phải chi trả.

  • Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH: Minh bạch xử lý ngân hàng yếu kém

Chính phủ đã có đề án về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, NHNN đang triển khai. Đề án vạch ra lộ trình đến năm 2020, trong đó quy định nội dung phải làm cho từng năm một và NHNN đang bám sát để triển khai, trong đó có việc sáp nhập, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; lành mạnh hóa từng bước hệ thống ngân hàng thương mại. Việc xử lý ngân hàng thương mại yếu kém, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành do 1 Phó Thủ tướng làm trưởng ban. Xử lý ngân hàng yếu kém không phải ý kiến của riêng của NHNN mà được làm rất minh bạch với ý kiến của các bộ ban ngành, đại diện ngân hàng.

Xử lý ngân hàng yếu kém là quá trình hết sức nhạy cảm, nên khi tiến hành xử lý 1 ngân hàng thương mại thì đồng thời tiến hành cả 2 việc: thanh tra tại chỗ để có bức tranh đầy đủ về ngân hàng đó, mời kiểm toán độc lập quốc tế vào. Vừa qua, qua kết quả thanh tra và kiểm toán, các tổ chức tín dụng bị xử lý là rất xứng đáng, đúng các quy định của pháp luật. Kết quả xử lý sẽ được công khai sau khi thống nhất phương án với các ngân hàng. Năm 2012, ngân hàng Nhà nước đã thanh ra 26 ngân hàng thương mại, lần lượt kết quả sẽ được công khai.

  • ĐBQH LÊ PHƯỚC THANH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Cần có chính sách hỗ trợ người dân khu vực thủy điện Sông Tranh 2

Tôi ở ngay huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), nơi xảy ra các động đất liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2. Khi kêu gọi đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi hy vọng giảm nghèo cho người dân. Nhưng khi thủy điện tích nước thì nhiều vấn đề xảy ra. Động đất quá lớn. Bình quân cứ 5 ngày có 1 trận động đất, vì vậy vấn đề an dân rất là khó khăn. Đề nghị QH, Chính phủ cần quan tâm, đầu tư cho công tác dự báo về động đất, vì nếu để xảy ra sự cố thì rất nguy hại. Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng thủy điện Sông Tranh 2, và trong điều kiện đặc biệt, nên có chính sách riêng cho thủy điện này.

  • ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Chưa tăng được lương mà để lạm phát tăng là có tội với dân

Tăng lương là nhu cầu bức thiết, ngay cả các ĐBQH, thành viên Chính phủ cũng muốn tăng lương, nhưng ngân sách phải cân đối được thu thì mới thực hiện được. Việc quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát rất chặt lạm phát. Không tăng lương mà lạm phát tăng là có tội với người dân. Hiện nay một yêu cầu quan trọng là giải quyết điểm nghẽn hàng tồn kho. Tồn kho lớn nhất là vật liệu xây dựng. Muốn giải tỏa, ngoài việc đầu tư công đúng địa chỉ, còn một giải pháp nữa, đó là xóa nhanh những quy hoạch treo, dự án treo, như nghị quyết của HĐND TPHCM. 

L.NGUYÊN - A.THƯ ghi

ĐBQH Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn: Tổng nợ các công ty gia đình sở hữu dưới 500 triệu USD 

Tại hành lang kỳ họp QH, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, đã trả lời báo chí, cho biết: Người ta đồn đoán nhiều, nhưng tổng nợ của toàn bộ các công ty mà gia đình tôi có quyền sở hữu (gồm Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn; Tập đoàn Tân Tạo do người chị của ông, bà Đặng Thị Hoàng Yến, làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị - PV) ở tất cả các ngân hàng không tới 500 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng), trong khi tổng vốn điều lệ là 20.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, thống kê cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ vay trên vốn điều lệ là 2,2 lần. Nếu xét về cấu trúc nợ và vốn thì công ty của chúng tôi nợ an toàn hơn số đông còn lại. Chúng tôi mạnh ở khả năng thu hút đầu tư nước ngoài; không mở rộng đầu tư tràn lan, không đầu tư vào làm nhà ở “với giá bong bóng” mà chỉ cho các DN nước ngoài thuê nhà xưởng nên ít chịu tác động của suy giảm kinh tế trong nước. Thời buổi này, DN nào cũng gặp khó khăn, nếu nói không là che đậy. Vấn đề là phải nhìn nhận đúng mức độ khó khăn để có biện pháp phù hợp.

Về kế hoạch năm 2013, Chính phủ đề ra mức tăng trưởng kinh tế năm 5,2% là chưa phù hợp. Như thế DN sẽ co cụm lại, không đầu tư phát triển. Còn nợ xấu, trong điều kiện Việt Nam, một nguyên nhân rất quan trọng là lãi suất cho vay đối với DN quá cao. Nhà nước và NHNN phải giữ được mức lãi suất dưới 15% thì DN mới có lãi ít nhất 1% - 2%; đủ sức hồi phục và trả nợ. Nợ xấu của DN sản xuất khác hẳn với DN làm dịch vụ, tài chính, bất động sản, nếu đồng hóa làm một thì không bao giờ có thể xử lý được nợ xấu… 

A.PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục