* Ai chịu trách nhiệm vụ "đắm tàu" Vinashin?
Bên cạnh điểm nóng Vinashin, trong ngày làm việc hôm qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về nhiều vấn đề then chốt nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, tình hình thiếu điện, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn...
- Mổ xẻ thực tế
Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu đã ghi nhận những thành tựu quan trọng nước ta đạt được trong thời gian qua: tăng trưởng GDP nước ta thuộc loại cao nhất khu vực, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2010 đã hoàn thành trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động; về cơ bản đã ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; nước ta cơ bản vượt thoát suy giảm, không bị tác động tiêu cực trong vòng xoáy khủng hoảng thế giới... Tuy nhiên, các ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình)... cho rằng, chất lượng tăng trưởng thực tế cần xem xét lại. “Nếu tính cả thiệt hại do thiên tai, GDP chắc không đạt mức đó, đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo để bức tranh kinh tế - xã hội sát thực hơn”, ĐB Vũ Quang Hải đề nghị.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng ta đã thành công trong chống lạm phát năm 2008 và chống suy giảm kinh tế năm 2009. Đây là một thành tích lớn. ĐB Cao Sỹ Kiêm đồng tình và đánh giá cao 6 hạn chế yếu kém Chính phủ đưa ra. Đó chính là những vấn đề cơ bản quyết định sự phát triển bền vững trong thời gian tới nếu ta xử lý thành công, hiệu quả. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, ĐB Cao Sỹ Kiêm yêu cầu: “Chính phủ cần có lộ trình cụ thể giải quyết những nút thắt của nền kinh tế; tạo tiền đề giảm bội chi ngân sách và nhập siêu càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng hay”.
Một trong những yếu kém làm chất lượng tăng trưởng kinh tế không cao, theo ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), là do công tác quy hoạch những năm qua bất cập, thiếu liên kết, gây lãng phí lớn. Ông dẫn chứng: Trong 12 năm qua, Bộ Xây dựng 4 lần điều chỉnh ngành xi măng do cung – cầu phá vỡ quy hoạch. Ngành thép cũng thế, do nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Một tỉnh miền Đông Nam bộ có 14 dự án, trong đó 9 dự án ngoài quy hoạch, xài hết 60% sản lượng điện toàn tỉnh. Tỉnh này lâm vào tình trạng thiếu điện, thừa ô nhiễm.
Quy hoạch điện 6 có nguy cơ bị phá vỡ vì thiếu than. Hiện nay ngành than đang hối hả xuất khẩu để đảm bảo tăng trưởng, trong khi 31 nhà máy nhiệt điện đang đói than từng ngày, ngành thủ công mỹ nghệ thì ăn đong than từng giờ. Quy hoạch các KCN, KCX cũng không sáng sủa. Nhiều khu lay lắt không thể lấp đầy, có quy hoạch thành “treo” xuyên thế kỷ...
- Thiếu điện, nhập siêu
Đó là câu hỏi không mới, nhưng một lần nữa được đặt ra đầy bức xúc tại nghị trường Quốc hội. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) phát biểu: “Điện thiếu triền miên, dù ngành điện hứa tới hứa lui. Thiệt hại cho sản xuất kinh doanh cực kỳ lớn, khó đong đếm”. Đồng tình với nhận định này, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề nghị EVN trực tiếp báo cáo về tình trạng thiếu điện trước QH và giải pháp khắc phục.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích: “Nếu thực hiện đúng quy hoạch 6 sẽ không thiếu điện, vì dự báo các kịch bản tăng trưởng là đúng đắn (trong giai đoạn từ 2006 – 2015 mỗi năm tăng 16% - 17% phụ tải điện và đến nay thực tế đúng như vậy). Nhưng việc phát triển nguồn điện có chậm trễ, trong đó lý do rất đáng quan tâm là thiếu vốn. Giải pháp quyết liệt và quyết định vẫn là đẩy mạnh tiến độ phát triển nguồn điện. Còn về tái cơ cấu ngành điện, bộ đã xây dựng đề án, nhưng chưa đạt yêu cầu; vừa qua Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, đến cuối năm 2010 trình”. Người đứng đầu ngành công thương cho biết: “Theo yêu cầu của Chính phủ, dù khó khăn đến mấy trong năm 2011 phải đảm bảo điện phục vụ sản xuất thiết yếu và đời sống nhân dân”.
Riêng về nhập siêu, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhập siêu còn đang ở mức cao, nhưng “đã có tiến bộ nhất định”, cụ thể đã có xu hướng giảm từ năm 2007 trở lại đây, cả về con số tuyệt đối lẫn tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu. Nước ta đang tập trung đầu tư cho tăng trưởng kinh tế nên khó tránh nhập siêu. Đơn cử việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện 1.200 MW phải tiêu tốn 2 tỷ USD, bằng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo.
- Nông nghiệp, nông thôn vẫn chịu nhiều thiệt thòi
Đây là nhận xét của nhiều ĐBQH. ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) nói rành rọt: “Thực ra không phải đến năm 2010 mà đã lâu chúng ta đầu tư vào nông nghiệp chưa xứng tầm. Đầu tư nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư xã hội, trong khi GDP của ngành này là 20,91%. Trước đó năm 2008, tỷ trọng còn cao hơn một chút, tức 6,45% và vào năm 2005 còn được 7,5%. Vào năm 2000, cách đây 10 năm còn được 13,85%”.
ĐB Nguyễn Đăng Vang lo lắng, nông nghiệp không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, cũng không hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và cũng... không hấp dẫn các nhà hoạch định chính sách. Đó là điều rất đáng lo ngại, làm nới rộng khoảng cách phát triển và nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội khác.
Hôm nay 2-11, theo chương trình, QH tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011
ANH THƯ - PHAN THẢO